Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để sản phẩm nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng.
Vùng trồng dược liệu 5 ha của HTX Khánh Thủy (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh) đã được cấp mã số vùng trồng mở ra cơ hội tiêu thụ thuận lợi trong thời gian tới.
Đã có hàng chục năm gắn bó với cây trạch tả, tuy nhiên đây là lần đầu tiên bà Phạm Thị Bốn (xóm 3, xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh) thực hiện sản xuất theo một quy trình bài bản với việc ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin. Cụ thể như: các vật tư đầu vào (tên vật tư, thời gian mua, số lượng, địa chỉ mua, hạn sử dụng); thông tin về việc sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc BVTV, thời gian sử dụng, lượng sử dụng, thời gian cách ly; thông tin về thu hoạch và bán sản phẩm (thời gian thu hoạch, thời gian bán, khối lượng...).
"Ban đầu không quen nên bà con chúng tôi rất ngại. Tuy nhiên, được cán bộ HTX giải thích về những lợi ích thiết thực mà việc làm này đem lại nên cũng cố gắng theo. Quả thực, việc tuân thủ đúng quy trình sản xuất đã giúp việc quản lý và bảo vệ cây trồng tốt hơn, môi trường được cải thiện, năng suất, chất lượng sản phẩm cũng nâng lên rõ rệt. Như năm nay, 1 sào trạch tả cho năng suất bình quân gần 2 tạ củ khô, với giá thu mua 80 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi 7-8 triệu đồng/sào, cao hơn hẳn so với trước đây" - bà Bốn chia sẻ.
Trao đổi với ông Phạm Minh Hưng, Giám đốc HTX Khánh Thủy được biết, để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ các quy định sản xuất an toàn. Do vậy, chúng tôi luôn phải đôn đốc, nhắc nhở, đồng thời trực tiếp kiểm tra, giám sát để bà con sử dụng vật tư đảm bảo theo đúng quy định. Đến thời điểm này, 5 ha trồng dược liệu của HTX đã được cấp mã số. Cũng theo ông Hưng, ngay sau sự kiện này, đã có không ít các công ty dược liên hệ với HTX để đặt hàng, ông hy vọng đây chính là tiền đề để HTX mở rộng sản xuất, đưa sản phẩm vươn xa hơn trong thời gian tới.
Được biết, từ năm 2021 đến nay, hoạt động hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng đã được Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp & PTNT) chú trọng triển khai. Trong đó, tổ chức nhiều lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn cho các cán bộ cấp xã, huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân về các nội dung có liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đến thời điểm này, đã có 20 mã số vùng trồng được cấp trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích gần 700 ha. Trong đó, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản là 16 mã số với diện tích 682 ha; rau củ, quả, nấm là 2 mã số với diện tích 2,2 ha; cây dược liệu là 2 mã số, diện tích 9 ha.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật, Chi cục Trồng trọt & BVTV cho biết: Trong quá trình triển khai xây dựng mã số vùng trồng, đơn vị thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các trình tự, thủ tục. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định. Trong đó, tập trung yếu tố tổ chức sản xuất tập trung, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất, quy trình quản lý sinh vật gây hại, nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng... để những sản phẩm nông sản từ các vùng được cấp mã số vùng trồng luôn đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Hiện nay, các nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam đều yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phải áp dụng những quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật. Việc xuất khẩu nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu. Do vậy, nếu tỉnh ta làm tốt việc tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng được mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc thì cơ hội xuất khẩu chính ngạch sẽ rất lớn.
Trong khi đó, để được cấp mã số, người dân không phải tốn chi phí nào mà chỉ cần đáp ứng đủ các tiêu chí về diện tích, ATTP, kiểm soát sinh vật gây hại. Chỉ có một vài vướng mắc nhỏ là hiện nay việc kê khai cấp mã số, công tác giám sát nhật ký vùng trồng đều được thực hiện trên phần mềm trực tuyến nên có thể một số cơ sở còn yếu về trình độ công nghệ thông tin sẽ gặp khó khăn... Thiết nghĩ trong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm, tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đồng hành, sát cánh hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.
Nguồn: Nguyễn Lựu/baoninhbinh.org.vn
https://baoninhbinh.org.vn/day-manh-cap-ma-so-vung-trong-nang-cao-chat-luong-nong-san/d20230201083043757.htm
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: