Thứ Năm, 25/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất nếp cau ở Quỳnh Lưu

Thứ Sáu, 26/11/2021

Vụ mùa 2021 này, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống nếp cau theo hướng hữu cơ giữa Chi cục Trồng trọt & BVTV, Doanh nghiệp tư nhân Hồng Quang và HTX nông nghiệp Quỳnh Lưu (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan) đã giúp hàng trăm hộ nông dân có thu nhập tốt hơn. Bên cạnh đó là các lợi ích khác về môi trường, sức khỏe… do vậy, bà con nơi đây đang hết sức phấn khởi.

 

Cánh đồng trồng lúa nếp cau ở xã Quỳnh Lưu đang đến độ thu hoạch, cho năng suất cao.

 

Một ngày chớm đông trên cánh đồng Gồ Sủm (xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan), những vạt lúa nếp cau đã đến độ thu hoạch, trĩu hạt, đều tăm tắp, 3 máy gặt đập liên hợp chạy hết tốc lực, trên bờ xe tải của doanh nghiệp thu mua đã chờ sẵn. Những người nông dân thảnh thơi vừa trò chuyện vừa chờ để cân thóc bán. Không khí vui tươi, rộn rã như ngày hội.

Chị Phan Thị Thơm, (thôn Sải, xã Quỳnh Lưu) hồ hởi cho biết: Nếp cau là giống lúa truyền thống, bà con chúng tôi cấy từ lâu đời rồi. Nhưng để có được năng suất, giá trị kinh tế như vụ này thì chưa bao giờ có. Tất cả là nhờ chương trình liên kết 4 nhà.

Quá trình sản xuất, thay vì gieo bằng giống cũ, tự chọn lọc, đã thoái hóa thì bà con chúng tôi được Chi cục Trồng trọt & BTTV cung cấp giống Nếp cau nguyên chủng đã được phục tráng, đồng đều, sạch bệnh.

Cán bộ kỹ thuật có chuyên môn, kinh nghiệm lại thường xuyên bám sát đồng ruộng để hướng dẫn sản xuất theo quy trình. Ngoài ra, các vật tư, phân bón khác đều do HTX cung ứng, lúa có sâu bệnh HTX cũng thuê máy bay về phun bằng thuốc sinh học một lượt là sạch. Nông dân chúng tôi nhàn tênh.

Giống như chị Thơm, một nông dân khác tên Thoa không giấu nổi niềm vui: "Mọi năm cấy nếp cau năng suất chỉ tầm 1,5 tạ thóc tươi/sào, năm nay được những 1,7-1,8 tạ/sào. Chẳng phải vất vả phơi sấy, doanh nghiệp thu mua tại ruộng với giá 9 nghìn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, bà con chúng tôi lãi gần 1 triệu/sào. Mức thu nhập này, nông dân trồng lúa nằm mơ cũng không có, nhất là vùng đất sâu trũng, khó khăn như ở Quỳnh Lưu".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nếp cau là giống lúa cổ truyền, được nông dân Quỳnh Lưu gieo cấy lâu đời. Tuy nhiên nguồn giống chủ yếu do người dân tự chọn lọc nên bị thoái hóa, thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp, chất lượng suy giảm.

Vụ mùa 2021, nhờ Chi cục Trồng trọt & BVTV cung ứng giống nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón theo quy trình chuẩn nên năng suất, chất lượng lúa ở đây đã được cải thiện đáng kể.

Bà Nguyễn Thị Ngoan,Giám đốc HTX Nông nghiệp Quỳnh Lưu thông tin: Vụ này, nhờ hỗ trợ từ phía Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh, HTX đứng ra tập hợp hơn 100 hộ dân ở thôn Sải để làm 5 ha mô hình cấy lúa Nếp cau theo hướng hữu cơ. Qua tổng hợp, đánh giá, có sự khác biệt lớn giữa ruộng nếp cau canh tác theo phương thức truyền thống và ruộng mô hình mới.

Cụ thể: số bông/m2 ở ruộng mô hình là 207 bông còn ở ruộng cấy đại trà chỉ có 180  bông; tỷ lệ hạt lép ở ruộng mô hình là 9, ruộng đại trà là 11,9. Cuối cùng, năng suất thống kê của ruộng mô hình là 171,4 kg/sào còn ruộng đại trà là 149,9 kg/sào.

Với độ thuần cao, chất lượng tốt, toàn bộ 5 ha lúa nếp cau tại mô hình đã được Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang thu mua tươi tại ruộng với giá 9 nghìn đồng/1kg. Hoạch toán kinh tế, bà con thu lãi khoảng 1 triệu đồng/sào.

Có thể thấy, liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hơn 100 hộ nông dân ở thôn Sải, xã Quỳnh Lưu. Nhưng quan trọng hơn, thông qua đó, đã làm thay đổi nhận thức của bà con nông dân, từ tư duy sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, truyền thống, chuyển dần sang sản xuất có kế hoạch, theo chuỗi. Bà con đã biết canh tác theo quy trình, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đây là tín hiệu vui cho sản xuất nông nghiệp của Ninh Bình nói chung, ngành lúa gạo nói riêng. Nhiều nông dân ở Quỳnh Lưu mong muốn việc liên kết sản xuất được mở rộng hơn nữa để bà con yên tâm gắn kết với đồng ruộng và sản xuất nông nghiệp bền vững hơn.

Ông Trần Văn Dưỡng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nho Quan cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang có 250 ha sản xuất nếp cau giống như mô hình ở Quỳnh Lưu. Đây là một hướng đi hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Do vậy, sang năm 2022 chúng tôi có hướng mở rộng lên khoảng 500 ha. Qua đó giúp khôi phục, bảo tồn được giống lúa bản địa quý giá của địa phương tiến tới làm thương hiệu cho sản phẩm nếp cau Nho Quan.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: