
Trước thực trạng lao động trong sản xuất nông nghiệp đang bị già hóa và ngày càng thiếu hụt do sự chuyển dịch sang các lĩnh vực khác. Để người làm nông nghiệp nói chung, người trồng lúa nói riêng bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì việc ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ là xu thế tất yếu. Chính vì vậy, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đã và đang tập trung nhân rộng “Mô hình cánh đồng không dấu chân” ở các địa phương.
Máy bay nông nghiệp là nền tảng “Cánh đồng không dấu chân”
Cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đã thay thế cho sức lao động của người nông dân, từ đó, tạo nên những cánh đồng “không dấu chân”. Hiện nay toàn tỉnh có trên 300 máy nông nghiệp các loại, bao gồm: máy cấy, máy bay phun thuốc, máy gieo sạ và bón phân, máy sấy lúa, máy gặt, máy cuộn rơm... Góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 98%; khâu chăm sóc, tưới trên 95%; khâu thu hoạch trên 93%...
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Lúa trong mô hình “Cánh đồng không dấu chân”, nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, không chỉ tăng năng suất, mà còn giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 2-3%, bảo đảm tính thời vụ. Sau khi khấu trừ các khoản chi phí, cho lợi nhuận cao hơn lúa sản xuất đại trà 300 nghìn đồng/sào. Chưa kể người dân không phải trực tiếp ra đồng, do đó có nhiều thời gian có thể làm thêm các nghề phụ, giúp nâng cao thu nhập.
Khi người dân thay đổi tư duy sản xuất sẽ giúp giá trị nông sản thu về tăng cao
Mô hình “Cánh đồng không dấu chân” là một minh chứng rõ nét, vượt trội, cho thấy hiệu quả kinh tế cao khi ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa và đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm phát thải, góp phần giải phóng sức lao động cho người dân, giải được bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là tình trạng thiếu hụt, già hóa lao động... Mô hình cũng khẳng định tính đúng đắn, tất yếu của sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà để đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng Nông thôn mới hiệu quả, bền vững./.
Trích nguồn: Thu Dung (THNB)
https://nbtv.vn/ninh-binh-nhan-rong-mo-hinh-canh-dong-khong-dau-chan-88527.html
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: