Thứ Ba, 23/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Đảm bảo đủ nước gieo cấy lúa vụ đông xuân

Thứ Năm, 13/01/2022

Để đảm bảo đủ nước gieo cấy lúa vụ đông xuân năm 2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT và ngành điện đã có kế hoạch, thông báo lịch cụ thể 3 đợt lấy nước ở khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Vì vậy, việc xả nước các hồ thủy lợi, thủy điện được các địa phương đôn đốc tập trung cao để lấy nước làm đất, đặc biệt đối với các tỉnh cuối nguồn nước như Ninh Bình.

 

Cán bộ ngành Nông nghiệp và địa phương kiểm tra việc lấy nước tại cống Đình Đồi (xã Khánh Hội, huyện Yên Khánh).

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh, kế hoạch lấy nước đợt 1 bắt đầu từ ngày 4/1 - 6/1, đến nay, Ninh Bình đã lấy được gần 16% diện tích cấy trên toàn tỉnh. Trong đó, tranh thủ kỳ triều cường, đồng thời tận dụng nước tạo nguồn từ trước, ngành chức năng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương đồng loạt lấy nước vào hệ thống, đảm bảo đổ ải, làm đất gieo cấy lúa đông xuân đúng kế hoạch.

Nhiều địa phương đã lấy nước vào trực tiếp, như huyện Yên Khánh lấy được 1.850 ha, Yên Mô 770 ha… Thời điểm này, đã có 27 máy ở 16 trạm bơm, trên 80 cống dưới đê và 8 hồ chứa được vận hành. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong đợt lấy nước đợt 1, dòng chảy đã bảo đảm yêu cầu đẩy mặn và tạo điều kiện thuận lợi cho các công trình vận hành lấy nước, đặc biệt là ở khu vực ảnh hưởng của thủy triều.

Anh Tạ Văn Nhân, công nhân vận hành tại Cụm thủy nông Hồng Đức - công trình cấp nước cho các xã Khánh Hội, Khánh Nhạc, Khánh Thủy (Yên Khánh) và một phần diện tích của huyện Kim Sơn vui vẻ cho biết: Cụm thủy nông Hồng Đức chịu tác động rất mạnh bởi triều cường, cùng với đó đây là năm đầu tiên âu Kim Đài được đưa vào vận hành, vì vậy trước khi lấy nước đợt 1, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) tỉnh và các chi nhánh đã xây dựng kế hoạch đổ ải trước 15 ngày nên trong mấy ngày qua, việc lấy nước khá thuận lợi.

Tổ thủy lợi huy động 100% quân số trực vận hành tại Cụm. Căn cứ vào lịch xả nước, thủy triều, Cụm lấy nước theo đúng quy định, đặc biệt là thường xuyên kiểm tra độ mặn để vận hành mở cống. Thời điểm này, bên ngoài cống, mực nước có độ cao 1,3 m, trong cống là 1,25m. Lượng nước sẽ còn dâng cao hơn do được xả từ thượng nguồn tràn về, riêng đợt này lưu lượng chảy có thể đảm bảo cấp nước cho khoảng 60% diện tích gieo cấy trong vùng. Diện tích còn lại sẽ được lấy tiếp ở các đợt và lấy đến đủ lượng nước, đảm bảo diện tích gieo cấy và chăm sóc lúa đông xuân.

Ông Vũ Văn Trường, Trưởng Chi nhánh KTCTTL huyện Yên Khánh cho biết thêm: Những công trình được đưa vào lấy nước làm đất bao gồm tất cả các cống trên tuyến đê sông Đáy, đê sông Vạc, sông Mới, kể cả các cống do các HTX quản lý. Trong quá trình lấy nước các cống phải đóng, mở theo quy luật thủy triều, tuân thủ sự chỉ đạo của Công ty và Chi nhánh KTCTTL huyện.

Trong đó tranh thủ thời gian lấy nước nhanh, phải thường xuyên kiểm tra độ mặn theo quy định, tuyệt đối không cho nước quá mặn xâm nhập vào đồng, tuân thủ quy trình vận hành các công trình thủy lợi liên hệ thống. Đối với vùng bơm điện, các trạm bơm vận hành bơm nước làm đất theo lịch của các HTX nông nghiệp đã đăng ký, tranh thủ lúc triều cường, kênh trục đang chứa đầy nước để vận hành bơm nước.

Tận dụng bơm nước trong thời gian thấp điểm, ban đêm để công suất bơm ổn định, hiệu suất bơm cao. Các trạm bơm thực hiện phương châm "cao - xa tưới trước, thấp - gần tưới sau". Nhiều vùng, Chi nhánh KTCTTL huyện lên kế hoạch chi tiết. Các trạm bơm khi vận hành chú ý không để nước tràn kênh gây lãng phí nước, tốn điện năng và không đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong mấy ngày qua, Chi nhánh KTCTTL huyện Yên Khánh đã chủ động lấy nước vùng triều cường được 1.850 ha, bằng 100% diện tích kế hoạch.

Cùng với đó, bơm nước vùng tạo nguồn được 750 ha và vùng bơm điện được 600 ha. Từ sau ngày 30/1- giai đoạn bổ sung và dưỡng lúa, căn cứ yêu cầu cụ thể của các HTX, Chi nhánh sẽ chỉ đạo mở luân phiên nhánh, phấn đấu đảm bảo đủ nước cấy cho tất cả diện tích lúa theo kế hoạch trên toàn huyện.

Cũng như huyện Yên Khánh, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh nắm bắt lịch xả nước, đợt 2 bắt đầu từ ngày 15/1 đến ngày 22/1. Được biết, trong 8 ngày xả nước đợt tới, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du. Mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội dự kiến đạt trung bình khoảng 1,9 m. Và đợt 3 (từ 13/2 đến 17/2) duy trì mực nước tại Trạm Thủy văn Sơn Tây từ 1,8 m trở lên.

Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT và ngành điện thì lịch lấy nước có thể được điều chỉnh tùy thuộc tình hình thực tế, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Vì vậy, các cấp, các ngành đôn đốc chỉ đạo, bám sát lịch xả nước, tranh thủ triệt để, tận dụng tối đa nguồn nước bằng mọi biện pháp lấy nước vào ruộng để làm đất gieo cấy lúa và dự trữ nước vào các trục sông, kênh, các ao hồ, thùng đào, thùng đấu…

Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết ở địa phương và điều chỉnh hợp lý việc lấy nước của các công trình thủy lợi. Vận động, hướng dẫn người dân thực hiện sớm việc làm đất, tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa và tập trung phương tiện sẵn sàng lấy nước các đợt, đảm bảo kế hoạch sản xuất.

Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra chỉ đạo việc lấy nước, phát hiện các hư hỏng của công trình cấp nước để có biện pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời. Ninh Bình phấn đấu đảm bảo đủ nước tưới phục vụ 40 nghìn ha lúa vụ đông xuân năm 2021-2022 và nước sinh hoạt cho nhân dân.

Đặc biệt vùng bán sơn địa và vùng núi, các cấp, các ngành ở tỉnh tăng cường thực hiện giải pháp thích ứng với tình trạng thiếu hụt nguồn nước. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng có phương án về việc lấy nước. Theo đó, các vùng khó khăn về nguồn nước như huyện Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn (khi độ mặn cao) và thành phố Tam Điệp khi thiếu nguồn nước bơm tát, Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh bằng các biện pháp nâng đầu nước để cho các phương tiện bơm tát hoạt động đảm bảo thời vụ sản xuất nông nghiệp.

Các HTX nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Công ty trong việc đưa nước tưới, vận hành công trình kịp thời khi triều cường hoặc nguồn nước Công ty tạo nguồn đang cao; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo bơm tát nhanh gọn cho diện tích cấy lúa.

Trong trường hợp độ mặn lên cao, xâm nhập sâu vượt quá độ mặn cho phép, Công ty chỉ đạo chi nhánh huyện Yên Khánh, Yên Mô cần đo gác mặn, tăng số lần đo và đo đuổi lên các cống phía trên để kiểm tra, chỉ vận hành công trình thủy lợi khi độ mặn cho phép.

Đối với vùng có nguy cơ xảy ra hạn, bao gồm hơn 4 nghìn ha diện tích khu hữu Vạc và tiểu khu 1, do ảnh hưởng của dự án nâng cấp các cống dưới đê hữu Đáy huyện Kim Sơn và thi công Trạm bơm Yên Phong, Trạm bơm Cống Gõ, huyện Yên Mô, trường hợp dự án nâng cấp cống Tân Hưng thuộc huyện Gia Viễn triển khai, dự kiến có khoảng 789 ha bị ảnh hưởng.

Trong trường hợp trên, Công ty phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các đơn vị dùng nước tận dụng tối đa nguồn nước có trong hệ thống để bơm tát phục vụ sản xuất, thực hiện tốt công tác vận hành các công trình điều tiết nước tưới theo phương án tưới thay thế khi thi công Trạm bơm Yên Phong, Trạm bơm Cống Gõ (Yên Mô) và dự án nâng cấp cống Tân Hưng (Gia Viễn) triển khai thi công.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: