Lâu nay cây dưa được xác định là một trong những cây trồng đặc trưng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân ở một số địa phương của huyện Gia Viễn. Vì thế ngoài việc khai thác cây dưa như một cây trồng nông nghiệp, Gia Viễn đang đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu để biến cây dưa trở thành sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng dưa an toàn tại xã Gia Tiến.
Những năm gần đây, huyện Gia Viễn đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng cây màu kém hiệu quả sang các mô hình đa canh.
Riêng đối với cây màu, huyện chú trọng thâm canh cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác và thổ nhưỡng của địa phương như dưa chuột, dưa bở, dưa lê, cà chua... Trong đó, dưa bở và dưa lê được đánh giá là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong ngành trồng trọt của Gia Viễn. Hiện nay, toàn huyện có trên 65 ha cây dưa lê và dưa bở tập trung ở các xã Gia Thắng, xã Gia Tiến và Gia Phương. Tổng số hộ dân đang tham gia trồng dưa khoảng 1.700 hộ.
Dưa được trồng ở Gia Viễn cho chất lượng thơm ngon. Tiềm năng giá trị kinh tế - xã hội mà cây dưa mang lại cho mảnh đất Gia Viễn hơn hẳn các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, cây dưa phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng giúp cho người dân nơi đây nhanh chóng chuyển đổi cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống người dân địa phương.
Tuy nhiên cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, những năm gần đây diện tích trồng dưa ở 3 xã Gia Thắng, Gia Phương, Gia Tiến có xu hướng giảm do thị trường tiêu thụ không ổn định, thời tiết diễn biến thất thường, đồng thời phương thức canh tác của người dân sử dụng nhiều phân hóa học, không bổ sung các yếu tố vi lượng khiến đất đai bị thoái hóa, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Ngoài ra, việc người dân tự để giống dưa từ vụ này qua vụ khác cũng khiến cho mầm bệnh lây lan phát triển, từ đó năng suất, hiệu quả giảm.
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Viễn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất dưa cho bà con nông dân.
Ông Bùi An Khang, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Viễn cho biết: Trước thực trạng trên, cùng với chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp của huyện, UBND huyện đã chỉ đạo thực hiện mô hình "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất dưa theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình".
Theo đó các hộ dân tham gia được huyện hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn và hỗ trợ một số vật tư sản xuất, đặc biệt là giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật để thay đổi một số tập quán canh tác. Sau khi mô hình được thực hiện thành công sẽ hình thành được vùng sản xuất dưa theo hướng an toàn sinh học từ 3-4 vụ/năm, gắn với phục vụ du lịch sinh thái theo hướng gia tăng giá trị, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đến nay, mô hình đang có chiều hướng phát triển tốt với việc xử lý nguồn đất nhiễm nấm và vi khuẩn tồn dư trong các năm. Người dân sử dụng phân bón theo hướng giảm hàm lượng phân đạm, tăng hàm lượng phân hữu cơ và phân kali đảm bảo cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là những thuốc sinh học, an toàn, thân thiện với môi trường với thời gian cách ly ngắn đảm bảo an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng. Cây dưa sinh trưởng phát triển tốt, đã ra hoa, đậu quả và dự kiến cho năng suất cao hơn các năm trước.
Theo Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện, sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, để khôi phục hoạt động du lịch, huyện Gia Viễn đã xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển cho từng vùng, từng khu nhằm tạo ra những vùng chiến lược chuyển giao, lưu thông giữa sản xuất, thương mại và phát triển du lịch, gồm: Khu du lịch Vân Long; Khu công nghiệp Gián Khẩu; Khu đô thị hành chính. Huyện đã xây dựng nhiều tuyến, tour du lịch gắn với những sản phẩm đặc trưng, sản vật của địa phương, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó tuyến du lịch tìm hiểu cội nguồn Đức Thánh Nguyễn sẽ gắn với phát triển sản phẩm cây dưa ở 3 xã Gia Thắng, Gia Tiến, Gia Phương. Do vậy việc chuyển giao ứng dụng kỹ thuật vào canh tác các loại dưa theo hướng an toàn để phục vụ du lịch trải nghiệm là một trong những giải pháp quan trọng mà huyện đang đẩy mạnh triển khai.
Đồng thời huyện cũng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho cây dưa. Sau khi được chứng nhận sẽ là điều kiện, cơ sở để nâng cao giá trị cho cây dưa Gia Viễn cũng như đem lại hiệu ứng truyền thông đối với phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm.
Cùng với phát triển cây dưa, huyện Gia Viễn đưa một số sản phẩm nông nghiệp khác vào phát triển du lịch như: bánh đa Điềm Giang; cá nướng rơm Đại Hữu.... Đến với những mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan, tìm hiểu về quy trình sản xuất, được thu hoạch hoặc tự tay làm sản phẩm, thưởng thức và mua quà mang về.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nhà nông, việc phát triển du lịch cũng tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ.
Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục tập trung chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất và đào tạo nguồn nhân công có liên quan đến mô hình trải nghiệm. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, cũng như kinh nghiệm của người dân trong quá trình bảo vệ môi trường, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và không sử dụng túi nilon cũng như xả thải bừa bãi ra môi trường, tạo ra sản phẩm sạch mang tính bền vững.
Nguồn: Hồng Giang- Anh Tuấn/baoninhbinh.org.vn
https://baoninhbinh.org.vn/gia-vien-hinh-thanh-vung-san-xuat-dua-gan-voi-du-lich-nong/d20230410150340193.htm
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: