Thứ Năm, 25/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Khẩn trương khắc phục hậu quả rét đậm, rét hại

Thứ Ba, 01/03/2022

Đợt rét đậm, rét hại lịch sử sau Tiết lập xuân (19-22/2) đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Tại nhiều địa phương trong tỉnh, trên trà xuân muộn diện tích lúa gieo thẳng, lúa mới cấy, ruộng thiếu nước đã xuất hiện tình trạng khuyết dảnh, chết cục bộ. Hiện nay, nông dân các địa phương đang khẩn trương gieo cấy lại để kịp lịch thời vụ.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt & BVTV kiểm tra khả năng phục hồi các diện tích lúa đông xuân sau rét đậm, rét hại.

Những ngày qua, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hoa (xóm 11, xã Định Hóa, huyện Kim Sơn) như ngồi trên đống lửa vì gần 5 sào ruộng bị thiệt hại nghiêm trọng. Bà Hoa chia sẻ: Gia đình tôi vừa cấy xong thì đợt rét đậm, rét hại kỷ lục tràn về. Vài ngày sau nắng lên, tôi ra ruộng kiểm tra, nhổ gốc mạ lên thì thấy rễ đã bị thối đen và lá bị táp đầu, khó có khả năng phục hồi. Do vậy, gia đình đã phải nhanh chóng ngâm lại lúa giống, sau đó thuê máy bừa lại một lượt, đợi 1-2 hôm nữa gieo thẳng lại chứ giờ gieo mạ để cấy thì không kịp".

Ông Phạm Văn Mưu, Phó Giám đốc HTX Định Hóa (xã Định Hóa) cho biết: Vụ này, toàn HTX gieo cấy hơn 400 ha lúa. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm này có khoảng 40% diện tích bị thiệt hại, nhiều nhất là ở 2 xóm 11, 12. HTX đang khẩn trương đưa nước vào các kênh mương để bà con chủ động bơm tát vào ruộng của từng gia đình; cũng như tuyên truyền hướng dẫn nhân dân ngâm ủ giống, gieo thẳng bổ sung các diện tích bị thiệt hại, đảm bảo khung lịch thời vụ tốt nhất. Kim Sơn là huyện có truyền thống gieo cấy muộn.

Đặc biệt, ở vụ Đông Xuân này bà con xuống giống tập trung vào giữa tháng 2, ngay sát đợt rét đậm, rét hại nên diện tích bị thiệt hại lớn hơn so với các địa phương khác. Tập trung chủ yếu ở các vùng lúa gieo thẳng (xã Tân Thành, Định Hóa, Như Hòa, Yên Mật, Thượng Kiệm…) và các khu vực lúa cấy sau ngày 15/2, sử dụng các giống lúa chịu rét yếu.

Trước tình hình trên, huyện Kim Sơn yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX nông nghiệp đôn đốc, hướng dẫn nông dân kiểm tra lại diện tích lúa đã gieo cấy, xác định mức độ thiệt hại để tổng hợp báo cáo và đưa ra các biện pháp khắc phục phù hợp. Đối với diện tích bị thiệt hại dưới 70% thì cấy dặm bằng mạ dự phòng cho đủ mật độ. Đối với những diện tích bị thiệt hại từ 70% trở lên thì tiến hành gieo thẳng lại bằng những giống ngắn ngày để đảm bảo thời vụ.

Tại huyện Yên Mô, tuy diện tích lúa và hoa màu vụ Đông Xuân bị thiệt hại không nhiều nhưng tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con vẫn chủ động ra đồng kiểm tra, tỉa dặm kết hợp xới xáo, phá váng để tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Bà Tạ Thị Chiến, xóm Bắc Yên, xã Khánh Dương chia sẻ: "Gia đình tôi có 5 sào lúa và hơn 1 sào lạc. Mấy hôm rét đậm chỉ lo lúa và cây màu bị chết, khi ra đồng kiểm tra, lá cây lúa và lạc chỉ hơi bị táp, cây vẫn ra rễ trắng. Tôi đã kết hợp xới đất và bón lân để kích rễ, đợi vài ngày nữa, cây hồi xanh thì bón đạm. Hy vọng những khó khăn đầu vụ sẽ nhanh chóng qua đi".

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở Nông nghiệp & PTNT): Hiếm có khi nào có đợt rét kỷ lục sau lập Xuân như năm nay, rõ nhất là các ngày từ 19/2 đến 23/2, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Điều này đã ảnh hưởng đến một số diện tích lúa Đông Xuân mới gieo cấy, đặc biệt trên những diện tích gieo thẳng trong thời gian từ ngày 12/2 đến 18/2.

Hiện tại, các địa phương đang tiến hành rà soát, phân loại, đánh giá các mức độ thiệt hại khác nhau để có giải pháp phù hợp. Nhiều nhất có lẽ là huyện Kim Sơn, các huyện, thành phố khác cũng có nhưng mức độ không nhiều. Chúng tôi nhận định, sản xuất không bị ảnh hưởng lớn. Thời vụ gieo cấy có thể kéo dài đến ngày 5/3, thậm chí kéo dài đến ngày 10/3 nếu làm tốt việc chăm sóc và sử dụng các giống ngắn ngày. Do vậy bà con không nên quá lo lắng.

Để khắc phục thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra, đảm bảo sản xuất thắng lợi, ngày 27/2, Sở Nông nghiệp & PTNT đã có văn bản chỉ đạo về việc tập trung chăm sóc lúa và cây màu vụ đông xuân.

Theo đó, Sở yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa và cây màu sau đợt rét đậm, rét hại. Đối với trà xuân sớm (tập trung chủ yếu tại huyện Nho Quan, Gia Viễn) hiện tại đang trong giai đoạn đẻ nhánh, cần duy trì đủ nước trên ruộng. Khi thời tiết ấm tiến hành bón thúc kết hợp với dặm tỉa đảm bảo mật độ, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi để thu hoạch trước ngày 20/5/2022.

Đối với trà xuân muộn, trên các diện tích lúa đã cấy, hiện tại đang hồi xanh, cần duy trì mực nước từ 3-5cm trên ruộng, khi thời tiết ấm mới được bón phân thúc, kết hợp tỉa dặm đảm bảo mật độ. Riêng diện tích lúa gieo thẳng, kiểm tra lại ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại: Những diện tích không hoặc ít bị ảnh hưởng cần duy trì đủ nước trên ruộng, khi thời tiết ấm trở lại sử dụng các loại phân lân, phân kích thích ra rễ để bón nhử (không bón phân đạm); khi cây lúa đạt từ 3,5-4 lá tiến hành dặm tỉa đảm bảo mật độ, kết hợp với bón thúc để lúa đẻ nhánh tập trung.

Những diện tích bị ảnh hưởng nhiều, kiểm tra mật độ, nếu dặm tỉa đảm bảo mật độ thì tiến hành dặm tỉa ngay, nếu không đảm bảo mật độ cần sử dụng giống lúa ngắn ngày tiến hành gieo bổ sung ngay. Còn với cây màu, tiến hành xới xáo, phá váng chăm bón bổ sung cho những diện tích bị ảnh hưởng nhẹ. Tranh thủ điều kiện thời tiết ấm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc gieo trồng.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan đảm bảo đủ nước phục vụ chăm sóc lúa và các cây trồng vụ Đông xuân. Theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia nông nghiệp, các vụ Đông Xuân lạnh, tuy khó khăn ban đầu do phải gieo cấy đi gieo cấy lại, nhưng thường được mùa hơn các vụ đông xuân ấm. Bởi cây lúa một khi đã được tôi luyện ở nhiệt độ thấp sẽ có khả năng sinh trưởng và phát triển rất tốt nếu gặp thời tiết ấm, phù hợp. Bên cạnh đó, với thời tiết lạnh, sâu bệnh sẽ giảm khả năng phát sinh và gây hại.

Do vậy, tin rằng với sự ứng phó kịp thời, linh hoạt của các địa phương và bà con nông dân, 3 tháng nữa, chúng ta sẽ có một vụ thu hoạch lúa đông xuân bội thu.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: