Thứ Bảy, 20/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Khánh bàn giải pháp sản xuất vụ mùa

Thứ Tư, 25/05/2022

Ngày 25/5, UBND huyện Yên Khánh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả sản xuất vụ mùa năm 2021, triển khai kế hoạch sản xuất vụ mùa năm 2022.

Các đại biểu dự hội nghị.

Vụ mùa năm 2021, huyện Yên Khánh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện các đồng bộ các giải pháp về tổ chức sản xuất, chăm sóc, phòng chống thiên tai, bảo vệ cây trồng. Cơ cấu trà lúa, giống lúa đưa vào gieo cấy phù hợp, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật được các hộ nông dân tiếp thu nhanh, nhờ vậy sản xuất đạt được nhiều kết quả thắng lợi.

Cụ thể: Toàn huyện gieo trồng được gần 8.400 ha cây trồng các loại, tổng giá trị sản xuất đạt 431.765 triệu đồng, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 51,52 triệu đồng. Về cây lúa, toàn huyện gieo cấy trên 7.700 ha, trong đó diện tích lúa cấy chiếm 22,6%, diện tích cấy bằng máy chiếm gần 3%. Về cây màu, nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ngô ngọt, bí xanh, bí đỏ, ớt, rau các loại đã được đưa vào sản xuất, góp phần làm tăng giá trị trên một đơn vị canh tác.

Bước sang vụ mùa năm 2022, huyện tiếp tục định hướng đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị hàng hóa.

Toàn huyện phấn đấu gieo trồng được 8.370 ha cây trồng các loại, trong đó cây lúa là 7.730 ha, rau màu 640 ha. Riêng về cây lúa, sẽ tăng cường các giống chất lượng cao, lúa nếp, lúa đặc sản, đảm bảo đạt trên 75% diện tích. Bên cạnh đó, cố gắng giảm diện tích gieo sạ, tăng diện tích lúa cấy. Bố trí cơ cấu mùa sớm hợp lý để giải phóng đất sớm, chủ động gieo trồng cây màu vụ đông.

Được đánh giá sẽ gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, sự phát sinh lây lan mạnh của nạn lúa cỏ, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, vấn đề thiếu hụt lao động nông nghiệp, lúa đông xuân thu hoạch muộn..., tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận đưa ra các giải pháp để khắc phục, đảm bảo thắng lợi sản xuất.

Cụ thể như: Tổ chức tốt khâu dịch vụ làm đất, gặt đến đâu tổ chức lấy nước, làm đất ngay đến đó; những nơi có diện tích nhiễm lúa cỏ thì tuyệt đối không gieo sạ mà phải tổ chức cấy; khai thác mọi nguồn phân hữu cơ để hỗ trợ, thay thế phân hóa học; tăng cường mở các lớp khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân; tích cực ứng dụng thâm canh lúa "3 giảm, 3 tăng" và phòng sâu bệnh tổng hợp IPM, SRI, ...

Theo baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: