Chiều 29/12, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông (1993 - 2023) nhằm đánh giá những kết quả, thành tựu đã đạt được, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Ninh Bình khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông.
Dự hội nghị có đồng chí Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT; nguyên lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh qua các thời kỳ; đại diện một số đơn vị, doanh nghiệp, HTX.
Ngày 24/11/1993, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình trực thuộc Sở Nông nghiệp được thành lập. Trải qua 30 năm, hệ thống khuyến nông đã từng bước trưởng thành, nội dung, hình thức hoạt động ngày càng phong phú. Dựa trên tình hình thực tiễn phát triển nông nghiệp qua các thời kỳ để triển khai các chương trình, mô hình, dự án khuyến nông phù hợp như: Chuyển đổi từ lúa Xuân sớm sang lúa Xuân muộn; gieo mạ bằng phương pháp che phủ nilon; mở rộng diện tích lúa đặc sản, chất lượng cao gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau màu gắn với HTX ngành hàng và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó là các mô hình chuyển đổi đất lúa đất màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng ổi Đài Loan, thanh long, sen, nho Hạ đen… cho giá trị kinh tế cao.
Trong chăn nuôi, đã có các chương trình cải tạo, nâng cao sức vóc của đàn dê, bò địa phương theo hướng thịt; các mô hình sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chuồng kín trong chăn nuôi lợn thịt; chương trình khí sinh học Biogas, ép tách phân trong xử lý chất thải để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường...
Ngoài ra, dựa trên đặc điểm của từng tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh chương trình khuyến ngư đã có những mô hình phù hợp để phát huy tối đa lợi thế vùng.
Các tiến bộ kỹ thuật trong lâm nghiệp cũng được khuyến nông triển khai có hiệu quả như: Hướng dẫn nông dân thực hiện phương thức canh tác nông lâm kết hợp "lấy ngắn nuôi dài", trồng rừng xen nhiều tầng tán, nhiều loài cây nhằm tận dụng không gian sinh dưỡng, chống xói mòn.
Có thể khẳng định, các chương trình, dự án, mô hình nông nghiệp mà Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã tác động tích cực, toàn diện đến sản xuất và đời sống của nông dân, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất; góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta từ 50 triệu đồng/ha năm 2003 lên 86 triệu đồng/ha năm 2011 và dự kiến 155 triệu đồng/ha năm 2023.
Trong thời gian tới, bám sát định hướng của ngành, tỉnh, nhu cầu của người dân, đặc biệt là Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình sẽ xây dựng và thực hiện các chương trình, mô hình khuyến nông ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, liên kết trong sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, với các phương thức sản xuất tiên tiến để phát huy những lợi thế riêng có của tỉnh. Qua đó góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiệu quả cao gắn với du lịch sinh thái, khép kín chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn Ninh Bình đậm đà bản sắc.
Đồng chí Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao và biểu dương những kết quả Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong 30 năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với một tâm thế khác, tư duy khác, nỗ lực tạo ra giá trị bền vững. Do vậy, đội ngũ khuyến nông phải là những người đi đầu, thay đổi tư duy khuyến nông, thay đổi cuộc sống nông dân, thay đổi nông nghiệp, nông thôn đất nước. Không chỉ đơn thuần là chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mà phải nắm chắc các kiến thức về kinh tế, thị trường, về chuyển đổi số... Lực lượng khuyến nông phải không ngừng học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức để chuyên nghiệp, tinh nhuệ hơn nữa.
Các Trung tâm khuyến nông cần tìm cách xã hội hóa hoạt động khuyến nông, tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ và khép kín chuỗi giá trị nông sản, chú trọng phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng.
Dịp này, 57 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khen thưởng.
Nguồn tin, ảnh: Nguyễn Lựu-Hoàng Hiệp
https://baoninhbinh.org.vn/tong-ket-30-nam-hoat-dong-khuyen-nong/d2023122920469291.htm
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: