Thứ Năm, 25/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Lúa Đông Xuân được mùa nhưng năng suất, sản lượng giảm so với vụ trước

Thứ Hai, 04/07/2022

Vụ Đông Xuân 2021-2022 nông dân sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi và theo thống kê năng suất và sản lượng lúa bị giảm so với cùng kỳ năm trước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc phỏng vấn nhanh bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Phòng Nghiệp vụ kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt & BVTV (Sở Nông nghiệp & PTNT).

Ở vụ Đông Xuân này không những năng suất giảm mà lợi nhuận của người trồng lúa cũng khá thấp do chi phí sản xuất tăng cao. Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên: Đến thời điểm này, các cây trồng vụ Đông Xuân đã cơ bản được thu hoạch xong. Có nơi được mùa nhưng có nơi bà con nông dân than phiền, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Nhung: Chúng ta đã trải qua vụ Đông Xuân "đặc biệt" khi thời tiết khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có chỉ đạo quyết liệt của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp, bên cạnh đó là sự nhanh nhạy, nỗ lực của người nông dân, nên sản xuất vẫn cơ bản đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể: Toàn tỉnh gieo trồng ước đạt trên 55,2 nghìn ha cây trồng các loại. Trong đó, riêng diện tích lúa đạt 39,8 nghìn ha (giảm 200 ha), năng suất 66,66 tạ/ha, giảm 0,15 tạ/ha; sản lượng lúa ước đạt 265,2 nghìn tấn (giảm 1,6 nghìn tấn so với cùng vụ năm trước).

Các cây trồng khác: Ngô 3 nghìn ha (giảm 500 ha), sản lượng 11,5 nghìn tấn (giảm 1,7 nghìn tấn); rau đậu 7,4 nghìn ha, sản lượng 149,2 nghìn tấn (tương đương cùng kỳ năm trước); cây công nghiệp 2,4 nghìn ha (giảm 400 ha), sản lượng 6,6 nghìn tấn (giảm 11%).

Phóng viên: Như vậy, có thể thấy, không chỉ năng suất lúa mà nhiều cây trồng khác ở vụ này đều có xu hướng giảm nhẹ so với năm ngoái. Ngoài tác động bất lợi do thời tiết đưa lại, bà có thể phân tích kỹ hơn nguyên nhân vì sao không?

Bà Nguyễn Thị Nhung: Trước tiên phải khẳng định, tuy năng suất có giảm so với năm ngoái nhưng vụ Đông Xuân 2021-2022 vẫn là một vụ lúa được mùa. Năng suất năm nay đạt 66,66 tạ/ha, chỉ giảm nhẹ 0,15 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2020-2021- một vụ mà năng suất đạt đỉnh cao, khó có vụ nào so sánh được nhờ thời tiết thuận lợi.

Còn về nguyên nhân cụ thể khiến lúa giảm năng suất, trước tiên là do yếu tố thời tiết. Đông Xuân 2021-2022 là vụ Đông Xuân rét, nền nhiệt trung bình các tháng cuối đông và đầu xuân đều thấp hơn những năm trước và thấp hơn trung bình nhiều năm. Đặc biệt đợt rét đậm, rét hại từ ngày 19-25/2 đã khiến hơn 4.000 ha lúa bị chết rét (chủ yếu ở 2 huyện Kim Sơn và Yên Mô) phải gieo cấy lại, ngoài ra còn có hơn 3.000 ha khác phải thực hiện dặm tỉa. Nền nhiệt, ánh sáng kém đã tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa; kéo dài thời gian sinh trưởng, làm số hạt trên bông thấp hơn tiềm năng, tỷ lệ lép cũng cao hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất. Hơn nữa, ở vụ này, lúa cỏ lây lan, gây hại mạnh, toàn tỉnh cũng có tới hơn 1.200 ha lúa bị nhiễm lúa cỏ, trong đó có gần 50 ha bị nhiễm nặng đã phần nào làm giảm năng suất, chất lượng lúa.

Mặt khác, giá phân bón cao nên nhiều bà con nông dân cũng giảm đáng kể lượng phân bón, làm giảm yếu tố cấu thành năng suất. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân do diện tích lúa lai giảm, lúa chất lượng cao tăng; thiếu lao động nông nghiệp...

Những yếu tố nêu trên không chỉ tác động đến riêng cây lúa mà cũng ảnh hưởng tương tự trên các cây trồng khác như ngô, rau đậu... Do vậy, năng suất, sản lượng nhiều cây trồng ở vụ này có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Phóng viên: Trong bối cảnh lo ngại gia tăng về lạm phát và giá lương thực, thực phẩm tăng cao, việc làm sao để đảm bảo thắng lợi cho vụ Mùa tiếp theo là một vấn đề hết sức quan trọng. Vậy ngành Nông nghiệp đã lên phương án thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Nhung: Chúng tôi nhận định, vụ Mùa 2022 sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn: Thời tiết khó lường, mưa nhiều hơn mọi năm; giá vật tư phân bón vẫn ở mức cao. Hơn nữa, tình hình các đối tượng dịch hại cây trồng trong vụ Mùa thường diễn biến phức tạp. Riêng đối tượng lúa cỏ đang phát sinh và gây hại rất mạnh, nếu không xử lý kịp thời, quyết liệt sẽ tiếp tục lây lan, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn anhe hưởng tới chất lượng lúa Mùa. Ngoài ra, do lúa Đông Xuân thu hoạch muộn nên khoảng thời gian để làm đất, chuẩn bị cho vụ Mùa sẽ rất ngắn, nhất là với các trà Mùa sớm.

Do vậy, để có thể tăng năng suất vụ Mùa, góp phần bù đắp sản lượng lúa bị giảm trong vụ Đông Xuân, các địa phương phải bám sát tình hình thời tiết khí hậu; xây dựng một kế hoạch sản xuất cụ thể, linh hoạt. Chú ý thời vụ gieo trồng, cơ cấu cây trồng cũng như những kế hoạch về ứng phó với những điều kiện bất thường của thời tiết.

Hiện Sở Nông nghiệp & PTNT đang hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chỉ đạo các xã, HTX tập trung làm đất sớm, kết hợp vệ sinh đồng ruộng, cày vùi gốc rạ, lúa chét và cỏ dại nhằm hạn chế một số đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ. Rà soát những diện tích bị nhiễm lúa cỏ ở vụ Đông Xuân 2021-2022, thực hiện tốt các biện pháp quản lý lúa cỏ theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn nhằm hạn chế lây lan.

Khuyến khích mở rộng áp dụng phương thức canh tác sử dụng gieo mạ khay, cấy máy. Hạn chế diện tích gieo thẳng, nhất là những vùng không chủ động tưới tiêu, thường xuyên bị ngập úng. Huy động lực lượng nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo nước tưới và chủ động tiêu úng kịp thời khi xảy ra mưa lớn. Đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, những chân đất cấy lúa Mùa sớm cần kết thúc trước ngày 5/7 để trồng cây vụ Đông.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Theo baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: