Thứ Ba, 16/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Nâng cao hiệu quả hoạt động HTX sản xuất, kinh doanh thủy sản

Thứ Ba, 17/05/2022

Trong những năm qua, sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển khá thuận lợi, tăng trưởng nhanh cả về nuôi trồng và khai thác, tiếp tục là mũi nhọn của ngành Nông nghiệp. Từ các mô hình nuôi nhỏ lẻ, tự phát, sản xuất bấp bênh, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao, đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đem lại giá trị kinh tế cao.

Thu hoạch cá tại HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Gia Minh.

Gia Minh là xã vùng đồng chiêm trũng của huyện Gia Viễn, nguồn thu nhập chính là từ sản xuất một vụ lúa, đối với vùng trũng kết hợp mô hình lúa - cá nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Để khai thác tiềm năng mặt nước, năm 2019, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Gia Minh được thành lập với 19 thành viên tham gia. Bước đầu thành lập hoạt động với quy mô nhỏ không có vốn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giá đầu vào cao, đầu ra bị tư thương ép giá. Đội ngũ cán bộ chưa có kinh nghiệm quản lý nên chưa tạo được niềm tin đối với thành viên.

Được sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh, Ban lãnh đạo HTX đã tham gia các lớp tập huấn cũng như xây dựng lộ trình phát triển. Cùng với quy hoạch vùng nuôi cá, mở rộng diện tích nuôi, HTX đã tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng cung cấp thức ăn công nghiệp cho các thành viên và 2 HTX trên địa bàn với hình thức bán thẳng tới tay thành viên không qua khâu trung gian với giá ưu đãi, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng doanh thu cho thành viên và HTX.

Năm 2020, HTX kết nạp thêm 8 thành viên, nâng tổng số lên 27 thành viên với diện tích canh tác là 22 ha. Để tiếp tục phát triển và nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX đã thay đổi hình thức từ nuôi với mật độ dày sang nuôi thưa, nuôi to và đưa thêm các loại tôm vào ghép với cá. Năm 2021, HTX cung cấp gần 1.000 tấn cám công nghiệp phục vụ cho các thành viên. Sản lượng cá xuất ra thị trường 500 tấn, đem lại lợi nhuận cao.

Hiện nay, trước tình trạng vào mùa thu hoạch cá thường bị các thương lái ép giá, HTX đã chủ động tìm hướng tiêu thụ nông sản. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh, HTX đã xây dựng được khu nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị chế biến các món từ cá.

Bước đầu đã chế biến thành công hai sản phẩm là ruốc cá và chả cá đồng mang thương hiệu "Cá sạch Ninh Bình", cung cấp ra thị trường được khách hàng đón nhận.

Thời gian tới, HTX mong muốn được xây dựng cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần ổn định đầu ra cho các thành viên, nâng cao giá trị kinh tế từ cá mang lại.

Ninh Bình có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 là 14.771 ha, trong đó diện tích nuôi nước mặn lợ là 3.901 ha; diện tích nuôi nước ngọt là 10.870 ha. Sản lượng thủy sản đạt 63.326 tấn, tăng 7,5% so với năm 2020.

Để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ các sản phẩm thủy sản nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, ngành thủy sản đã dần hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất, khai thác, nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua việc liên kết, thành lập HTX hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 30 HTX chuyên ngành thủy sản với hơn 700 thành viên. Trong đó, có 21 HTX nuôi trồng thủy sản nước ngọt; 7 HTX nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ; 2 HTX khai thác thủy sản xa bờ.

Các sản phẩm chủ lực của các HTX là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua xanh,, cá bớp, ngao, cá trắm cỏ, trắm đen, cá chép, cá rô Tổng Trường. Các HTX hoạt động sản xuất theo hướng bán thâm canh và thâm canh, góp phần hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất cho các thành viên. Có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho thành viên.

Bên cạnh những HTX thủy sản hoạt động hiệu quả, vẫn còn có những HTX hoạt động cầm chừng. còn lúng túng trong việc tìm kiếm thị trường cũng như mở rộng sản xuất. Số lượng HTX chuyên ngành thủy sản còn quá ít so với lợi thế vốn có để phát triển kinh tế tập thể ngành thủy sản.

Để các HTX sản xuất, kinh doanh thủy sản ngày càng phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp, trong đó đã ban hành Nghị quyết số 118/NQ-HĐND của HĐND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, trong đó quan tâm hỗ trợ xây dựng và phát triển các HTX chuyên ngành thủy sản.

Đồng thời tập trung tuyên truyền và nhân rộng các mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, HTX nông nghiệp gắn với du lịch, trong đó phát huy thế mạnh HTX chuyên ngành thủy sản. Tìm kiếm, hỗ trợ, tư vấn và khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến và hỗ trợ cho các hộ dân, tổ hợp tác liên kết thành lập các HTX.

Tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông sản an toàn. Tăng cường thành lập mới các HTX chuyên ngành thủy sản tập trung vào những khu vực có lợi thế như Gia Viễn, Nho Quan, Kim Sơn…

Phấn đấu mỗi năm thành lập mới ít nhất 5 HTX lĩnh vực thủy sản, mỗi năm ít nhất có 2 mô hình HTX thủy sản sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, HTX chuyên ngành chế biến thủy sản.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: