Thực hiện Chương trình OCOP năm 2021, huyện Nho Quan đang chú trọng triển khai hỗ trợ phát triển, hoàn thiện, chuẩn hóa đối với 3 sản phẩm đạt hạng từ 3 sao trở lên (gồm Na Phú Long, Trà hoa thảo mộc Cita herb Cúc Phương; Bình gốm cắm hoa Gia Thủy).
Các hộ trồng na dai xã Phú Long đang được hỗ trợ, chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chí OCOP. Ảnh: Hoàng Hiệp
Phú Long có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu rất thuận lợi để phát triển mô hình trồng na dai. Toàn xã hiện có trên 300 hộ trồng na theo phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường. Ngoài vụ chính trong năm thu hoạch từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, nhiều hộ trồng na của xã đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, ngắt lá, tỉa cành, thụ phấn theo kỹ thuật mới để có thể thu hoạch thêm 1 vụ na trái vụ từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 (dương lịch).
Đáng chú ý, để nâng cao năng lực sản xuất, xã đã thành lập Hợp tác xã sản xuất, tiêu thụ trái cây an toàn Phú Long nhằm đáp ứng nguyện vọng của đông đảo các thành viên trồng và cung cấp quả, giống cây ăn quả (chủ yếu là cây ma) trên địa bàn xã Phú Long. Qua đó, tăng cường liên doanh, liên kết, hạn chế tối đa rủi ro trong sản xuất cũng như tiêu thụ trái cây. Nhờ phương thức sản xuất mới, những cây na đã và đang giúp người trồng na Phú Long nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Đình Độ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Với mục tiêu dựng thương hiệu "Na dai Phú Long" thành nông sản thế mạnh của huyện, xã đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn chủ động hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Xã cũng hỗ trợ HTX, các hộ nông dân tìm kiếm thị trường, phát triển bao bì, nhãn mác… để tăng tính nhận diện, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt trong năm 2021, được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, nhất là UBND huyện Nho Quan và Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, xã đang tập trung chuẩn hóa sản phẩm na dai theo tiêu chuẩn OCOP. Xã kỳ vọng khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và cấp sao sẽ xây dựng thương hiệu, tăng tính cạnh tranh, tạo điều kiện hơn nữa để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và từng bước mở rộng thêm vùng sản xuất, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thực hiện Chương trình OCOP, năm 2020 huyện Nho quan đã có 4 sản phẩm được chuẩn hóa, cấp sao và được UBND tỉnh cấp chứng nhận gồm Trà hoa vàng Mạn Hảo 30g, Trà Hoa vàng 50g, Cao Đinh Lăng của Công ty TNHH dược liệu Vũ Gia và Cơm cháy chà bông - vừng Xích Thổ loại 300g, của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Đại Long.
Qua khảo sát của các cơ quan chức năng cho thấy, sau khi được chứng nhận OCOP, các sản phẩm đều đạt hiệu ứng tốt về thị trường, doanh số bán hàng ổn định và tăng trưởng, uy tín của các chủ thể được nâng lên.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả Chương trình OCOP năm 2021, Nho Quan chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Chương trình; đồng thời rà soát, xác định các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của địa phương để định hướng, vận động các chủ thể sản phẩm đăng ký tham gia.
Trên cơ sở đó huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm mục tiêu phát triển thêm các sản phẩm OCOP và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện. Cũng theo kế hoạch của UBND huyện, năm 2021 huyện tập trung duy trì và phát triển đối với 4 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng năm 2020 và hỗ trợ phát triển hoàn thiện chuẩn hóa đối với 3 sản phẩm mới đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Theo ông Nguyễn Cao Các, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, để duy trì sản phẩm đã được xếp hạng năm 2020, huyện tập trung tuyên truyền vận động các chủ thể sản xuất không ngừng đầu tư nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã được xếp hạng, phấn đấu sản phẩm được nâng sao ở mức cao hơn trong thời gian tới.
Đối với 3 sản phẩm mới, huyện phối hợp cùng các cơ quan chức năng hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm, đồng thời hoàn thiện hồ sơ để đánh giá, trình cấp có thẩm quyền chấm và phân hạng.
Huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị là thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP huyện làm việc trực tiếp với UBND các xã, các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất dự kiến có sản phẩm tham gia OCOP năm 2021 để hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về quy trình sản xuất an toàn, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm, đăng ký bảo hộ, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, xây dựng câu chuyện sản phẩm...
Đồng thời, tăng cường công tác khuyến công trong việc thực hiện Chương trình OCOP và thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện Chương trình ở các xã, thị trấn. Huyện cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường; tham mưu để các cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; vi phạm quy định về quản lý nhãn hiệu OCOP theo quy định.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn và các HTX, chủ thể đang tích cực triển khai hoàn thiện sản phẩm. Huyện Nho Quan phấn đấu tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện xong trước 30/9/2021 và đề nghị tỉnh đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021.
Ngoài các sản phẩm đã được chứng nhận và đang hoàn thiện, huyện Nho Quan tiếp tục tuyên truyền định hướng cho các chủ thể sản xuất từng bước phát triển hoàn thiện chuẩn hóa 18 sản phẩm tiềm năng trong giai đoạn 2022-2025.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: