Thứ Hai, 14/10/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Dưa lê vùng bãi được giá

Thứ Hai, 11/12/2017

Thời điểm đầu tháng 5, nông dân các xã ven biển như Kim Trung, Kim Hải, Kim Đông (huyện Kim Sơn) đã bắt đầu thu hái những lứa dưa lê đầu tiên. Năm nay, thời tiết đầu vụ thất thường nên năng suất có giảm đôi chút, tuy nhiên bù lại giá dưa tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với vụ xuân hè năm trước nên bà con vẫn rất phấn khởi.

Về Kim Trung những ngày này, dọc hai bên đường, những đầm tôm san sát đang chạy quạt khí tung bọt trắng xoá, xen kẽ trên các bờ đầm, bờ thửa là màu xanh mướt của những vạt dưa hấu, dưa lê. Từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Nhung, xóm 5, xã Kim Trung đã ra ruộng dưa và lựa những quả dưa to, đều, trắng sáng để hái bán cho thương lái. 

Không quên mời khách thưởng thức miếng dưa lê thơm ngọt, chị Nhung nói vui: “Ai đã từng ăn dưa ở vùng đất mặn này rồi sẽ bị mê hoặc không muốn ăn dưa ở nơi khác trồng đâu”. 

Chị cho biết: Vụ dưa năm nay, thời tiết mưa nhiều, ít nắng, thời điểm cây ra hoa đậu quả lại gặp đúng đợt không khí lạnh nên ảnh hưởng đến năng suất. 

Ngoài ra, mưa nắng thất thường cũng khiến nhiều ruộng dưa nhiễm bệnh, thối dây, khuyết cây. Tuy nhiên, giá dưa năm nay cao hơn hẳn. 

Thông thường như mọi năm, đầu vụ bán được 15-20 nghìn đồng/1kg, chính vụ giảm xuống chỉ còn 6-7 nghìn đồng/kg, năm nay dù đã vào đợt thu rộ nhưng giá vẫn cao, khoảng 15-16 nghìn đồng/kg, xuất tại ruộng. 

Riêng gia đình mình, vụ này trồng 1,5 sào dưa, mới thu 1 tuần nay, mỗi ngày chừng 1,5-2 tạ quả nhưng đã cầm trong tay hơn chục triệu đồng rồi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Thanh Nghị, xóm 4 phấn khởi cho biết thêm: Gia đình tôi trồng dưa lê đã 6-7 năm, diện tích trồng khoảng 7 sào. Thường thì trồng 1 vụ, nhưng năm nào khỏe tôi trồng 2 vụ, vụ thứ nhất đầu tháng 2 bắt đầu trồng, đến tháng 5 cho thu hoạch, vụ thứ hai trồng vào tháng 6, đến cuối tháng 8 cho thu hoạch. 

Cây dưa lê dễ trồng, rất phù hợp với chất đất mặn, chống chịu với thời tiết khắc nghiệt rất tốt, trời càng nắng càng cho quả nhiều và ngọt. 

Khi trồng dưa lê, chúng tôi chỉ bón lót phân chuồng một lần duy nhất, không sử dụng bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào, nước tưới cũng là nước giếng khoan từ độ sâu 80-90 m nên có thể nói đây là loại quả rất sạch, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vì đã có thương hiệu nên vào vụ thu hoạch dưa lê, nông dân các xã ven biển Kim Sơn thu hái đến đâu có thương lái mua hết đến đó, chỉ sợ không có dưa chứ không sợ không bán được. Đặc biệt, năm nay, số lượng thương lái đến hỏi mua dưa nhiều hơn những năm trước, không chỉ có xe thồ mà cả xe trọng tải lớn, đến từ nhiều tỉnh, thành phố… cũng đến tìm mua.

Một thương lái thu mua dưa mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác cho biết: Dưa lê Kim Sơn không chỉ cung cấp tại các chợ trên địa bàn tỉnh mà còn được chúng tôi mang đi nhập cho các chợ ở Hà Nội, Hải Dương. Bà con trồng dưa lê ở đây luôn lựa chọn mua các giống dưa tốt, có chất lượng để trồng chứ không tự để giống như các vùng khác, hơn nữa chất đất ở đây là chất đất mặn nên chất lượng quả rất tuyệt vời: giòn, ngọt đậm và rất thơm. 

Chính vì vậy, thị trường rất ưa chuộng, dưa dễ bán và được giá. Dưa được giá như năm nay không chỉ người trồng dưa phấn khởi mà ngay cả những người buôn bán như chúng tôi cũng rất vui mừng vì dưa thu mua đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Trao đổi về định hướng phát triển cây dưa trong thời gian tới trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Trung khẳng định: “Điều kiện thổ nhưỡng của xã rất phù hợp với cây dưa lê.

Thực tế đã chứng minh trong 3-4 năm trở lại đây, người dân địa phương trồng dưa lê đã đạt năng suất khá cao, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. 

Đặc biệt, dưa lê là một loại cây trồng không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, mức đầu tư không cao nên người dân triển khai sản xuất rất thuận lợi”. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến thì phát triển cây dưa lê này trong thời gian tới như thế nào cũng là điều mà chính quyền xã đang băn khoăn. 

Vấn đề ở chỗ làm thế nào để hài hòa giữa một mặt là phát triển nuôi trồng thủy sản và mặt khác việc gieo trồng, mở rộng diện tích các cây trồng khác? Hơn nữa điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn thường diễn ra, tác động tiêu cực đến giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn. Hiện, hướng tiêu thụ dưa lê trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái. 

Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận ruộng dưa để thu mua, số còn lại người dân mang ra chợ bán. 

Đây là một bất lợi lớn vì người nông dân dễ bị ép giá, khi mở rộng diện tích, sản lượng dưa nhiều sẽ khó tiêu thụ, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. 

Do vậy, để cây trồng này phát triển một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài cho nông dân, rất cần các cấp, ngành liên quan vào cuộc cùng với chính quyền địa phương tạo dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm. 

Xây dựng mối liên kết “4 nhà”, tạo thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất. 

Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn cũng cần quan tâm tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT về cách trồng, chăm sóc dưa; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Theo baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: