Thứ Ba, 12/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Nhiều khó khăn trong sản xuất vụ Mùa

Thứ Tư, 15/06/2022

Do tình hình thời tiết bất thường nên thời gian sinh trưởng của cây lúa trong vụ Đông Xuân bị kéo dài, việc thu hoạch kết thúc muộn hơn so với mọi năm từ 10- 15 ngày. Chính vì vậy, công tác triển khai vụ Mùa tới đây sẽ gặp rất nhiều khó khăn, cập rập.

Nông dân huyện Hoa Lư lo lắng cho vụ Mùa 2022 khi lúa cỏ đang lây lan rất mạnh trên đồng ruộng.

Căng thẳng về lịch thời vụ

Vụ Đông Xuân 2021-2022 là một vụ sản xuất đặc biệt với số ngày rét đậm, rét hại đạt kỷ lục; các đợt không khí lạnh cũng tác động muộn và lai rai. Do nền nhiệt độ thấp, nên cây lúa kéo dài thời gian sinh trưởng, thời điểm trỗ bông, chín chậm hơn so với mọi năm từ 10-15 ngày. Hiện nay là giữa tháng 6 nhưng toàn tỉnh vẫn còn hàng vạn héc ta lúa chưa được thu hoạch.

Như vậy, khoảng thời gian để làm đất, chuẩn bị cho vụ Mùa sẽ rất ngắn, nhất là với các trà Mùa sớm. Nông dân sẽ phải vừa gặt, vừa làm đất, gieo mạ; căng thẳng cả về mặt thời vụ, nhân lực, máy móc... Trong khi đó, theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, thời tiết vụ Mùa 2022 khả năng có những diễn biến rất phức tạp, khó lường. Nhiệt độ bình quân tháng thấp hơn trung bình nhiều năm; lượng mưa nhiều hơn, tập trung vào các tháng 6 và 7, đúng vào cao điểm gieo cấy lúa Mùa. Điều này có thể gây nguy cơ ngập úng, hư hỏng với các diện tích mới gieo, đặc biệt ở những vùng đất thấp, không chủ động tiêu thoát nước.

Cũng theo đại diện Chi cục Trồng trọt &BVTV, Sở Nông nghiệp&PTNT, ngoài căng thẳng về thời vụ, các nguy cơ đến từ thời tiết, vụ Mùa năm nay còn phải đối mặt với việc giá cả vật tư đầu vào leo thang. Đặc biệt, giá phân bón đang duy trì ở mức rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích của các hộ nông dân. Hơn nữa, tình hình các đối tượng dịch hại cây trồng trong vụ Mùa thường diễn biến phức tạp.

Thời gian chuyển từ vụ Đông Xuân sang vụ Mùa ngắn, nguồn sâu bệnh tồn dư cũng sẽ cao, nhất là sâu đục thân hai chấm, rầy các loại, chuột, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lùn sọc đen. Riêng đối tượng lúa cỏ đang phát sinh và gây hại rất mạnh, nếu không xử lý kịp thời, quyết liệt sẽ tiếp tục lây lan, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất mà còn là chất lượng của lúa Mùa.

Bên cạnh đó, hiện nay, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, lao động ở khu vực nông thôn trở lại làm việc tại các khu công nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động và khó khăn trong tổ chức sản xuất.

Bám sát tình hình, chỉ đạo linh hoạt

Vụ Mùa 2022, Ninh Bình có kế hoạch gieo trồng khoảng 34.800 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa là 31 nghìn ha, phấn đấu năng suất đạt 54,6 tạ/ha, sản lượng trên 169 nghìn tấn. Trước những khó khăn hiện hữu nêu trên, để đảm bảo sản xuất thắng lợi, ngành Nông nghiệp xác định phải bám sát tình hình, linh hoạt trong chỉ đạo.

Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng phòng Phòng nghiệp vụ kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt khuyến cáo: Cao điểm gieo cấy vụ Mùa, dự báo sẽ có mưa nhiều, do vậy các địa phương cần tuyên truyền nông dân chủ động mở rộng phương thức gieo mạ nền, dày xúc hoặc mạ khay cấy bằng máy, hạn chế tối đa gieo sạ trực tiếp do nguy cơ ngập úng sau gieo nếu không thoát nước kịp sẽ chết hoặc tốn công tỉa dặm.

Ngoài ra, cần dự phòng mạ cho khoảng 10% diện tích cấy, dự phòng giống cho khoảng 20% diện tích cấy bằng các giống ngắn ngày để khi úng lụt có giống gieo ngay. Tranh thủ mọi điều kiện, huy động mọi nguồn lực tập trung cấy càng sớm càng tốt với phương châm "Mùa hơn đêm, chiêm mềm sướng", để né ngập úng sau gieo cấy cũng như mưa bão cuối vụ và lép do khó khăn trong giai đoạn hoa lúa thụ phấn...

Thu hoạch lúa Đông Xuân đến đâu phải làm đất vùi sâu gốc rạ ngay đến đó, giữ nước trên ruộng. Nên bón thêm vôi bột hoặc một số chế phẩm sinh học để tăng cường phân hủy rơm rạ, hạn chế nguồn sâu bệnh hại và tránh ngộ độc hữu cơ cho lúa Mùa sau cấy. Trong điều kiện bình thường, toàn tỉnh cố gắng kết thúc gieo cấy trước ngày 25/7.

Ngành chuyên môn cũng đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân hạn chế sử dụng những giống lúa nhiễm bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở những vùng thường xuyên bị nhiễm bệnh nặng. Bón phân theo phương châm "nặng đầu nhẹ cuối", thực hiện bón đúng, đủ và cân đối các loại phân phù hợp với từng chân đất, từng giống.

Dùng phân bón đơn hoặc phân NPK chuyên dùng, tùy điều kiện cụ thể, giai đoạn sinh trưởng, phát triển, có thể dùng bổ sung phân vi lượng, phân bón qua lá và các chế phẩm sinh học để cung cấp đầy đủ, kịp thời dinh dưỡng cho cây trồng. Tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện sản xuất trồng trọt của địa phương. Lấy bón phân cân đối và bón đúng cách làm biện pháp quan trọng trong thâm canh và hạn chế sâu bệnh.

Đối với những diện tích nhiễm lúa cỏ (lúa dại, lúa ma) cần có kế hoạch và các biện pháp canh tác, quản lý chặt chẽ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, tránh để lây lan làm ảnh hưởng đến năng suất lúa vụ Mùa. Tuy có nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm sản xuất nhiều năm, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền và tinh thần lao động sáng tạo của nông dân trong tỉnh, hy vọng rằng chúng ta sẽ có một vụ Mùa 2022 được mùa, được giá.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: