Về Khánh Vân những ngày này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến hình ảnh những ruộng ớt chín đỏ nằm san sát nhau, bà con nông dân đang náo nức thu hoạch để kịp cân hàng cho Công ty. Đang thu ớt, bà Bùi Thị Tuyết, xã Khánh Vân phấn khởi cho biết: Thực hiện chủ trương của xã, cùng sự hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp kết nghĩa, cuối năm 2016 gia đình bà chuyển đổi 2 sào đất trồng lạc sang trồng ớt cay xuất khẩu.
Khi tham gia mô hình trồng ớt, gia đình bà cùng các hộ dân khác được hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ khâu làm đất, gieo giống đến khi thu hoạch quả. Đồng thời Công ty tham gia ký kết cung ứng toàn bộ giống đảm bảo chất lượng và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Chính vì vậy bà con nông dân rất yên tâm khi chuyển đổi cây trồng mới. Khác với các cây trồng khác, cây ớt là loại cây dễ trồng, thời gian thu hoạch kéo dài. Khi ớt bắt đầu chín sẽ cho thu hoạch liên tục, thời điểm chín rộ cứ 3 ngày thu hoạch một lần và mỗi lần gia đình bà thu được 60-70 kg.
Năm nay thời tiết ấm, thuận lợi cho cây ớt sinh trưởng phát triển nên ớt được mùa, quả to, sai trĩu cành. Không những được mùa mà người nông dân còn phấn khởi hơn vì ớt được giá, có thời điểm giáp Tết giá lên đến 60 nghìn đồng/kg, còn giá hiện nay dao động từ 18-25 nghìn/kg. Ước tính, năm nay gia đình bà Tuyết thu hoạch trên 8 tạ quả/sào, sau khi trừ chi phí về công, giống, phân bón có thu nhập trên 12 triệu đồng/sào. Như vậy cây ớt cay xuất khẩu có hiệu quả kinh tế gấp 10 lần trồng lạc và các cây trồng khác và có đầu ra ổn định.
Cũng đang thu hoạch 4,5 sào ớt ở cánh đồng bên cạnh, bà Tống Thị Ngoan cho biết: So với các cây trồng khác, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ớt cay đơn giản hơn. Người trồng ớt chỉ cần chú ý đảm bảo giữ ẩm, chăm sóc tỉa cành gốc và lá, tiến hành vun xới, đến giai đoạn cây ớt ra hoa phải bón thêm kali cho quả chắc, đẹp.
Về lượng phân bón cây ớt cũng cần ít hơn nhiều so với cây trồng khác, tùy vào chất đất mỗi sào chỉ cần bón 3-5kg đạm, 15-20kg lân, 5-7 kg kali. Đây là năm đầu tiên trồng cây ớt cay xuất khẩu nên chưa tính chính xác được năng suất, nhưng với sản lượng thu về từ đầu vụ thu hoạch đến nay có thể khẳng định cây ớt cay có hiệu quả cao gấp nhiều lần so với các cây trồng khác như ngô, lạc.
Xác định chuyển dịch cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân, Khánh Vân đang tích cực lựa chọn các cây trồng mới phù hợp đưa vào xây dựng mô hình sản xuất. Trong đó giống ớt cay là một trong những cây trồng mới được đưa vào cuối năm 2016 này.
Ông Vũ Văn Tứ, Chủ tịch HĐQT HTX Xuân Tiến cho biết: Được sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa theo tinh thần Quyết định140 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xã Khánh Vân đã đưa vào trồng 9 ha giống ớt cay xuất khẩu. Toàn xã có 37 hộ tham gia mô hình sản xuất ớt trên diện tích đất màu trước đây thường trồng ngô, lạc.
Mô hình trồng ớt cay ở Khánh Vân có sự liên kết giữa 4 nhà theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở sự hỗ trợ của đơn vị kết nghĩa, địa phương đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Nhất Thủy (Gia Viễn) cung cấp giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cuối vụ cho người nông dân.
Đặc biệt khâu tiêu thụ, Công ty ký hợp đồng bao tiêu với giá 10 nghìn đồng/kg quả đẹp và 7.000 đồng/kg quả bị dập, chín quá. Nếu giá thị trường cao hơn giá ký kết, Công ty sẽ thu mua theo giá thị trường, còn nếu thấp hơn sẽ thu mua đúng với giá đã ký. Chính vì vậy người dân rất yên tâm tham gia sản xuất.
Để mô hình thành công, xã chỉ đạo HTX Xuân Tiến phối hợp với Công ty tổ chức các lớp tập huấn từ khâu gieo giống, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho đến thu hoạch. Quy trình trồng và chăm sóc ớt được Công ty cử cán bộ theo dõi, hướng dẫn đến tận ruộng.
Năm nay bà con bắt đầu xuống giống từ tháng 11, sau hơn 2 tháng đã cho thu hoạch và thời gian thu hoạch kéo dài từ 8-9 tháng. Do thời tiết thuận lợi, người dân áp dụng đúng quy trình chăm sóc nên ớt sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho quả to, mẫu mã đẹp. Những lứa thu hoạch đầu tiên đúng dịp Tết Nguyên đán đạt giá cao từ 40-60 nghìn đồng/kg. Hiện nay giá vẫn dao động từ 18-25 nghìn đồng/kg.
Với ưu thế là thời gian thu hoạch dài, cứ 3 - 5 ngày cho thu một lứa, nên từ đầu năm 2017 đến nay ớt cay Khánh Vân cho thu hoạch liên tục. Năng suất bình quân ớt trên đồng đất Khánh Vân ước đạt từ 8 tạ - 1,2 tấn/sào.
Toàn bộ số ớt thu hái đã được Công ty TNHH Nhất Thủy về tận nơi thu mua. Phần lớn ớt thu hái có chất lượng quả đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên luôn đạt giá cao. Sau khi trừ tất cả các chi phí, bà con nông dân có thu nhập từ 15 - 18 triệu đồng/sào.
Theo đại diện lãnh đạo xã Khánh Vân, mặc dù là vụ đầu tiên đưa vào sản xuất nhưng cây ớt cay đã khẳng định sự phù hợp trên đồng đất của Khánh Vân. Cây ớt cay được mùa và được giá đã mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Trồng ớt cay không chỉ góp phần đa dạng hoá cơ cấu cây trồng, mà còn góp phần vào việc thay đổi ý thức sản xuất của người dân theo hướng hàng hóa.
Trong thời gian tới, Khánh Vân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đưa các cây trồng mới có giá trị cao vào sản xuất như: ớt cay loại nhỏ, ớt loại to, măng tây..., góp phần nâng cao thu nhập, tạo nguồn lực quan trọng để xã về đích nông thôn mới.
Theo baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: