Đối với bà con xã Đồng Phong, huyện Nho Quan, cây ổi đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Với hương vị đậm, ngọt, giòn được trồng trên vùng đất sỏi, quả ổi nơi đây đã được nhiều người biết đến và tin dùng. Đây là sản phẩm được huyện chọn để xây dựng thành sản phẩm Ocop trong năm nay.
Hội Nông dân xã Đồng Phong, huyện Nho Quan hướng dẫn bà con trồng theo hướng an toàn để xây dựng thành sản phẩm Ocop.
Cách đây khoảng 7 năm, Hội Nông dân xã Đồng Phong bắt đầu đưa giống ổi lê Đài Loan vào trồng thử nghiệm. Sau 1 thời gian trồng, nhận thấy chất lượng ổi được trồng trên vùng đất này cho năng suất, chất lượng nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã bắt đầu chuyển đổi các loại cây ăn quả cho năng suất kém sang trồng ổi.
Bà Lê Thị Sáu, Thôn Liêu Thượng, xã Đồng Phong, huyện Nho Quan chia sẻ: "Do tìm hiểu kỹ quy trình trồng và chăm sóc cây ổi, nên vườn ổi của gia đình tôi và các hộ nông dân trong xã đều phát triển tốt, hơn 1 năm sau khi trồng đã cho quả. Để có quả thơm, ngon, bên cạnh yếu tố thổ nhưỡng, bà con nông dân cần phải chăm bón đều đặn và cắt tỉa cành, tạo khoảng trống lấy ánh sáng để cây quang hợp. Khi quả ổi còn non, người trồng bắt đầu bọc quả để tránh bị ruồi vàng, các loại sâu bệnh tấn công."
Ông Đồng Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Phong, huyện Nho Quan cho biết:Thực hiện “Đề án Nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn”, Hội Nông dân xã Đồng Phong đã khuyến khích bà con canh tác theo hướng an toàn. Tuyệt đối không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học làm cho đất ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, cân bằng hệ sinh thái và hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy. Chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ đã được ủ hoai mục, hoặc các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ tự nhiên. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng Thương hiệu thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc nông sản và thực phẩm, đòi hỏi phải minh bạch quy trình sản xuất. Do vậy, mới đây, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức dán tem truy xuất nguồn gốc cho cây ổi Đồng Phong. Việc dán tem, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản là một giải pháp để khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm của mình. Đồng thời, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó yên tâm trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm./.
Theo nbtv.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: