Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn còn nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hiện các chỉ tiêu NTM, nhất là những tiêu chí đòi hỏi về nguồn kinh phí lớn như: cơ sở hạ tầng, đường giao thông, xây dựng thiết chế văn hóa, tiêu chí thu nhập, hộ nghèo... đòi hỏi không chỉ riêng sự nỗ lực của địa phương, mà rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của các cấp, các ngành.
Nhà văn hóa thôn Đồi Khê Hạ, xã Yên Đồng (Yên Mô) là một ngôi nhà cũ của dân được xây dựng từ năm 1984, được chính quyền mua lại làm nhà văn hóa nhiều năm nay, hiện dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp của thôn nhưng không đảm bảo an toàn. Theo đại diện thôn Đồi Khê Hạ, do nhà văn hóa đã xuống cấp, nên thôn không dám đầu tư những phương tiện, thiết bị mới như loa đài, bàn ghế và các đồ dùng khác. Vừa qua, nhân dân trong thôn đã nỗ lực đóng góp làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang nhà cửa, trong khi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục huy động nhân dân trong thôn đóng góp xây dựng nhà văn hóa rất khó thực hiện.
Đồng chí Vũ Văn Phán, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng (huyện Yên Mô) cho biết, toàn xã có tổng số 37 km đường giao thông liên thôn, liên xóm, đến nay, tỷ lệ cứng hóa mới đạt hơn 50%, còn lại là đường đất nhỏ hẹp, cốt đường thấp, xuống cấp. Chỉ cần vài trận mưa lớn là toàn bộ đường giao thông các thôn bị ngập trong nước, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đi lại cũng như giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ngoài khó khăn về hệ thống đường giao thông, xã Yên Đồng còn đang đối mặt với tiêu chí xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở. Tiếng là xã đang có 17 nhà văn hóa thôn, nhưng hầu hết số nhà văn hóa không đạt tiêu chuẩn theo quy định, trong đó có 4 nhà văn hóa đã xuống cấp nghiêm trọng.
Khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông và tiêu chí xây dựng nhà văn hóa cơ sở cũng là khó khăn mà xã Gia Phương (Gia Viễn) đang gặp phải. Tại thôn Văn Bòng, nhiều năm nay, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn, hoạt động hội họp, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể như chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên... đều diễn ra tại nhà dân, bởi thôn chưa có nhà văn hóa.
Không có nhà văn hóa thôn, mọi thứ rất bất tiện, nhất là khi diễn ra các hoạt động, lễ kỷ niệm, thôn lại phải tìm kiếm các địa điểm như sân đình, trường học để tổ chức. Trước nhu cầu và đòi hỏi thực tế, năm 2016, thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, người dân thôn Văn Bòng đã tự nguyện hiến đất 5% của gia đình để làm nhà văn hóa thôn với diện tích hơn 2.500 m2. Đất xây dựng thì đã có, nhưng nhà văn hóa vẫn chưa thể xây dựng được, vì không huy động được nguồn lực đầu tư.
Đồng chí Đinh Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Gia Phương (Gia Viễn) cho biết, toàn xã có 7 thôn thì đến nay mới chỉ có 1 thôn đang xây dựng nhà văn hóa, còn lại những thôn khác đều chưa có hoặc đang sinh hoạt tạm tại khu nhà trẻ hoặc nhà dân. Nguồn kinh phí để xây dựng các nhà văn hóa thôn, xóm rất khó huy động được, trong khi hiện Gia Phương còn hơn 2km đường giao thông nông thôn chưa đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới. Trước mắt, xã đang nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực để hoàn thiện tiêu chí giao thông. Trong khi theo kế hoạch, năm 2019, xã Gia Phương sẽ hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thì các tiêu chí đã khó càng rất khó thực hiện được.
Qua tìm hiểu được biết, những khó khăn trong quá trình triển khai phong trào xây dựng NTM chủ yếu rơi vào những địa phương có xuất phát điểm thấp, tiềm lực phát triển kinh tế - xã hội có mức độ và thường là những xã vùng sâu, vùng xa, nơi còn khó khăn của tỉnh, của huyện. Trong quá trình xây dựng NTM, mặc dù những địa phương này cũng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, của các cấp, các ngành cấp trên, nhưng do nguồn kinh phí đầu tư thường lớn nên bước đầu ưu tiên cho những tiêu chí cần thiết. Hiện tại, các xã này mới chỉ hoàn thành từ 12-14 tiêu chí. Cũng theo lãnh đạo các địa phương, cùng với sự quan tâm của cấp trên, các xã cũng đã rất nỗ lực trong việc khơi dậy và phát huy nội lực trong dân, nhưng do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, do địa hình rộng và dân cư thưa, mức đóng góp vượt quá sức người dân có thể thực hiện được, trong khi đó, các tiêu chí như làm đường giao thông, xây dựng các công trình trường học, trạm y tế, nước sạch, nhà văn hóa, thu nhập... đều là những tiêu chí cần nguồn vốn đầu tư lớn, do vậy việc hoàn thành các tiêu chí này thường khó thực hiện được nếu không có sự quan tâm, trợ giúp của cấp trên.
Năm 2018, Ninh Bình có thêm 10 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh cũng tập trung chỉ đạo triển khai 7 xã đăng ký NTM kiểu mẫu, gồm xã Gia Vân (huyện Gia Viễn), xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư), xã Đồng Hướng (huyện Kim Sơn), xã Đồng Phong (huyện Nho Quan), xã Khánh Thành (huyện Yên Khánh), xã Yên Từ (huyện Yên Mô) và xã Quang Sơn (thành phố Tam Điệp). Đặc biệt vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận huyện Yên Khánh đạt chuẩn NTM, nâng tổng số huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành xây dựng NTM của tỉnh lên 3 huyện, thành phố, gồm các huyện Hoa Lư, Yên Khánh và thành phố Tam Điệp. Năm 2019, tỉnh Ninh Bình phấn đấu có thêm ít nhất 9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, bình quân toàn tỉnh đạt 18,1 tiêu chí/xã.
Hiện nay, việc xây dựng NTM tại các địa phương đòi hỏi mức chuẩn cao hơn trước rất nhiều, không chỉ đi vào thực chất mà còn yêu cầu không còn tình trạng nợ tiêu chí. Cùng với đó là hạn chế tình trạng nợ xây dựng cơ bản và trong quá trình triển khai thực hiện, các xã phải xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể để trả nợ, giảm nợ đọng, hạn chế phát sinh nợ mới... Như vậy, nếu không có những chính sách đặc thù, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả đối với những xã vùng sâu, vùng xa, xã điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn thì khó có thể tạo động lực và cơ chế để các xã này phấn đấu vươn lên, thực hiện và hoàn thành các tiêu chí còn lại trên bước đường xây dựng NTM tại địa phương. Đây là mong muốn, đồng thời cũng là những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, các ngành liên quan trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, góp phần để tỉnh hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM theo đúng lộ trình đề ra.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: