Thứ Năm, 07/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Xã Kim Chính huyện Kim Sơn đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023

Thứ Tư, 12/07/2023

Xã Kim Chính là 1 trong 4 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 của huyện Kim Sơn, huyện đã đăng ký và được tỉnh đưa vào kế hoạch thực hiện năm 2023.

Ngay sau khi được phê duyệt, đảng bộ, chính quyền, đoàn thể xã Kim Chính đã khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đúng kế hoạch đã đăng ký với tỉnh:

- Công tác tuyên truyền, vận động: Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức: Thông qua các hội nghị, hội thảo, cấp phát tài liệu, treo khẩu hiệu, băng zôn, pano, áp phích…; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh và tổ chức thăm quan thực tế các mô hình điển hình tiên tiến trong và ngoài huyện. Phát động phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến mọi tổ chức đoàn thể quần chúng và nhân dân trong xã.

Kết quả đến nay xã đã tổ chức 56 hội nghị với 2.900 lượt người tham gia, phát hành trên 195 bộ tài liệu; Cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của tỉnh, huyện với 22 lượt/345 cán bộ xã, ban phát triển xóm tham gia các lớp tập huấn về cách làm nông thôn mới; căng treo 88 băng zôn, pa nô, áp phích. Thường xuyên tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh không dây, phát thanh 36 chương trình với tổng thời lượng 185 phút, ngoài ra còn lồng ghép với các chương trình khác, mỗi tuần từ 01-03 buổi, thời lượng từ 5-10 phút/lần.

 

Các ban, ngành, đoàn thể triển khai tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Kim Chính

Qua công tác thông tin tuyên truyền vận động, ý thức của người dân được nâng lên, tích cực chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp công góp sức, tiền của, nguyên vật liệu để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội như làm đường giao thông nông thôn; nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa xóm…phát huy vai trò người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

- Công đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng: Ban Chỉ đạo xã đã tập trung tăng cường chỉ đạo thực hiện quyết liệt, khẩn trương; huy động lồng ghép hiệu quả các nguồn lực của tỉnh, huyện hỗ trợ kết hợp với nguồn lực huy động tại xã, vận động doanh nghiệp tranh thủ tăng ca làm việc để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình đáp ứng yêu cầu về tiến độ hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

 

Máy móc tăng ca làm việc để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn mới nâng cao

- Công tác phát triển sản xuất: Xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung khắc phục những khó khăn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như trồng lúa chất lượng cao, kết hợp với mở rộng cơ giới hóa, các biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh… năm qua, diện tích gieo trồng toàn xã đạt 519ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 5.572 tấn, toàn xã có 20 máy làm đất, có 07 máy gặt đập liên hoàn, cơ bản đáp ứng 100% khâu làm đất và vận chuyển; hiện đã có trên 98% diện tích lúa thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác và chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn; tổng đàn trâu, bò 166 tấn; đàn lợn 450 tấn; đàn gia cầm 371 tấn; tổng trọng lượng thịt hơi xuất chuồng 1.305 tấn/năm. Diện tích nuôi trồng thủy sản 72,3 ha, tổng sản lượng thủy sản đạt 315 tấn thủy sản/năm. Trên địa bàn xã có 03 HTX dịch vụ nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

 Bên cạnh đó xã còn có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp, duy trì phát triển ngành nghề truyền thống như nghề mộc, thủ công mỹ nghệ, đan lát bèo bồng, khai thác các nguồn hàng từ các doanh nghiệp trong địa bàn và ngoài địa bàn tạo việc làm cho nhân dân. Số lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là 1.120 người có thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng. Có 45 người xuất khẩu lao động.

- Công tác xây dựng đời sống văn hóa: Trên địa bàn xã có 05 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng là tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh; có 14 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể thao. Phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã phát triển tích cực. Các CLB văn hóa văn nghệ, đội, nhóm văn nghệ của xã và các xóm luôn duy trì hoạt động thường xuyên, có chất lượng. Hàng năm đã tổ chức 3 - 5 buổi liên hoan, giao lưu văn nghệ, 6-8 giải giao lưu thi đấu thể thao với các môn như: bóng đá, cầu lông, dưỡng sinh, kéo co, bơi chải, thi giữa các xóm thu hút đông đảo các tầng lớp trong nhân dân tham gia, phong trào dân vũ, bóng chuyền hơi phát triển trong những năm gần đây góp phần phát triển phong trào thể thao trên địa bàn, thu hút trên 35% số dân tham gia các hoạt động thể thao.

Toàn xã có 14/14 xóm (tỷ lệ100%) được công nhận xóm văn hóa hàng năm; có 5 xóm đang xây dựng hồ sơ xét công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh đó các hoạt động vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn luôn được địa phương quan tâm phát động thường xuyên góp phần nâng cao ý thức cũng như nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân nông thôn.

Song song với công tác hoàn thiện các tiêu chí, xã đang khẩn trương tổ chức tự đánh giá đồng thời hoàn thiện hồ sơ các tiêu chí đã đạt chuẩn phục vụ cho công tác hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm tra, thẩm định xét công nhận theo quy định./.

Nguyễn Đăng Luân - VPĐP nông thôn mới tỉnh

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: