Thứ Năm, 02/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Phát triển du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới cho các HTX ở Đông Sơn

Thứ Năm, 17/06/2021

Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Phát triển du lịch nông nghiệp: Hướng đi mới cho các HTX ở Đông Sơn

Liên minh HTX tỉnh tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn. Ảnh: Anh Tuấn

Từ việc tham gia trực tiếp của nông dân đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, đồng thời đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân. Nắm bắt được xu hướng này, các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) đã liên kết với nhau để khai thác phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Hiện nay, trên địa bàn xã Đông Sơn có 12 HTX với đa dạng các ngành nghề: Trồng lúa, trồng sen, trồng cây có múi, trồng đào, trồng và chế biến chè, trồng dứa, chăn nuôi, dược liệu, dịch vụ du lịch… Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản đặc sản, an toàn, các HTX còn định hướng sản xuất, kinh doanh và hướng dẫn hộ thành viên tận dụng địa hình nơi đây tập trung phát triển du lịch trải nghiệm, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng. Cũng từ các mô hình này đã giúp người nông dân chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp kết hợp giải trí, mang lại hiệu quả cao cho cả hai ngành Nông nghiệp và Du lịch.

Trên cơ sở định hướng phát triển, các mô hình đã khai thác tối đa những lợi thế về điều kiện tự nhiên và địa danh cổ bên dãy núi Tam Điệp hùng vĩ, nơi có nhiều di chỉ khảo cổ học từ thời tiền sử và cũng là vùng đất có vị trí quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử. Nơi đây còn được biết đến là vùng đất của thương hiệu đào phai Tam Điệp nổi tiếng, chè xanh Ba Trại, dứa Đồng Giao... 

Với lợi thế khu Quèn Thờ có nhiều thung lũng xen lẫn khu dân cư, không gian yên tĩnh và trong lành..., vì vậy khi đến đây, du khách được hòa mình vào thiên nhiên và sử dụng các dịch vụ câu cá thư giãn, đạp xe, tham quan hang động, thăm vườn cây ăn quả, dịch vụ ăn uống, những khu chụp ảnh check in đồi dứa, vườn chè, khung cảnh hùng vĩ của núi non tạo cho du khách cảm giác được hòa mình với thiên nhiên… 

Không chỉ đem đến cho du khách cơ hội thư giãn, giải trí, trải nghiệm làm nông dân, gần gũi với thiên nhiên, việc phát triển du lịch cũng góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người nông dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang dịch vụ, thay đổi phương thức sản xuất… gắn với tìm hiểu văn hóa của địa phương, giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm, ổn định đời sống cho người dân vùng nông thôn.

Ông Trịnh Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp cho biết: Hiện nay, các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn ngoài chăn nuôi cây, con đặc sản, kinh doanh nhà hàng, siêu thị, còn xây dựng khu nông trại rộng 25 ha, nuôi các con đặc sản như hươu, nai, ngựa, dê núi, chim… và khu nhà lưới trồng rau sạch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm. 

Bên cạnh đó, HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp còn liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn để khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có, phục vụ đa dạng nhu cầu khách tham quan như: Tham quan hang động do các HTX trong chuỗi quản lý (HTX du lịch Quèn Thờ), tham quan vườn bưởi (HTX bưởi da xanh Tam Điệp), tham quan và thưởng thức chè (HTX hoa, cây cảnh, nông sản an toàn Tam Điệp), vườn hoa, dịch vụ ăn uống (doanh nghiệp Quang Minh), HTX trồng đào Đông Sơn với các khu trải nghiệm vườn đào phai đẹp mắt. Năm 2019, sản phẩm du lịch cộng đồng Quèn Thờ của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp đã được xếp hạng 4 sao (gồm 4 hoạt động: lữ hành, lưu trú, ăn uống, bán đồ lưu niệm). 

Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của tỉnh nói chung cũng như của các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn nói riêng. Khắc phục khó khăn hiện tại, các HTX tiếp tục khai thác tiềm năng của địa phương, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đầu tư cơ sở hạ tầng để trong tương lai không xa, khu du lịch Quèn Thờ sẽ trở thành điểm đến của du khách gần xa muốn được tham quan, trải nghiệm tại đây.

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch của các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn là hướng đi đúng và cần được phát huy trong thời gian tới. Tuy nhiên để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hơn nữa, mang lại những trải nghiệm độc đáo cho du khách, cần phải có sự liên kết, có chiến lược kinh doanh giữa các HTX trên địa bàn với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá đến đông đảo khách du lịch. 

Bên cạnh đó cũng cần tổ chức lớp tập huấn về nghiệp vụ đối với những tổ chức, cá nhân làm dịch vụ du lịch vì hầu hết các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, trùng lặp. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về thương hiệu. 

Đặc biệt, phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp. Hầu hết sản phẩm du lịch nông nghiệp còn rất giản đơn, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách, cũng như tăng khả năng chi tiêu từ khách du lịch qua các dịch vụ bổ trợ khác như mua sắm, trực tiếp tham gia dây chuyền sản xuất một loại sản phẩm, các dịch vụ tiện ích khác… 

Để khuyến khích các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn liên kết phát triển theo mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức Hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tại xã Đông Sơn. Tại hội thảo, các đại biểu cũng như các HTX đã cùng nhau thảo luận, trao đổi nêu lên những lợi thế trong liên kết phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, rào cản cần khắc phục trong thời gian tới để loại hình du lịch này trở thành hướng đi mới cho các HTX trên địa bàn xã Đông Sơn nói riêng và các HTX trên địa bàn tỉnh nói chung.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: