Thứ Ba, 12/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững

Thứ Hai, 31/08/2020

Nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đang tích cực mở rộng diện tích trồng trọt theo hướng hữu cơ, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Trồng trọt hữu cơ - xu hướng của nền nông nghiệp bền vững

Tham quan mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Khánh Trung (Yên Khánh). Ảnh: Anh Tuấn

Chuyển từ lượng sang chất

Từ năm 2018 trở lại đây, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp & PTNT, xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh) đã triển khai thành công mô hình sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ. Mô hình này áp dụng kỹ thuật mạ khay, cấy máy, không dùng thuốc trừ cỏ, phân bón vô cơ; thuốc BVTV sử dụng ở đây đều là các dòng thuốc sinh học, thảo dược. Theo chính quyền và người dân địa phương, ưu điểm lớn nhất của sản xuất lúa hữu cơ là đầu ra ổn định, đảm bảo an toàn cho môi trường, người sản xuất và cả người sử dụng.

Bà Phạm Thị Mai, xóm 9, xã Khánh Trung chia sẻ: Đây mới là năm thứ 3, gia đình bà sản xuất lúa theo hướng hữu cơ nhưng lợi ích đã thấy rõ. Sức khỏe của vợ chồng bà được cải thiện rất nhiều vì mỗi vụ không phải 3-4 lần đi phun thuốc sâu như trước nữa. Hơn thế, đồng đất cũng được hồi sinh, màu mỡ hơn, tôm cá và các loại thiên địch cũng bắt đầu xuất hiện; năng suất, chất lượng lúa tăng lên rõ rệt. Lúa sạch nên chẳng phải mang bán đâu xa, người quen, anh em bạn bè lấy hết, giá bán lại có phần cao hơn trước. "Những vụ tới tôi tiếp tục làm theo quy trình này trên toàn bộ diện tích trồng lúa của mình", bà Mai khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Sản xuất hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới cũng như Việt Nam. Không đứng ngoài cuộc, ngành Nông nghiệp Ninh Bình, trong đó có trồng trọt đã và đang từng bước đẩy mạnh phát triển nông nghiệp an toàn, hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ và coi đây là hướng đi bền vững góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn tại như tiêu chuẩn chất lượng, quy trình sản xuất... để nông sản của chúng ta đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Từ năm 2019, Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành 2 quy trình kỹ thuật về sản xuất lúa hữu cơ và rau hữu cơ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số diện tích được chứng nhận VietGAP như 200 ha sản xuất lúa gạo (ở các xã Khánh Thành, Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh), 30 ha rau quả (ở xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh; xã Sơn Hà, huyện Nho Quan; xã Yên Thái, huyện Yên Mô). Ngoài ra, Ninh Bình cũng đã xây dựng được một số mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ như: mô hình ứng dụng mạ khay, cấy máy, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh; mô hình trồng lúa nếp cau theo hướng hữu cơ ở xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan; mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ ở xã Khánh Dương, huyện Yên Mô. Các mô hình này đều tuân thủ nguyên tắc "6 không" gồm: Không phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, thuốc diệt cỏ, giống biến đổi gen, kích thích sinh trưởng, thuốc bảo quản. Đồng thời cố gắng tái thiết lại hệ sinh thái đa dạng bằng các biện pháp tổng hợp như: Xây dựng hàng rào sinh học cách ly với khu vực canh tác thông thường; nuôi dưỡng đất bằng biện pháp thường xuyên trả lại chất hữu cơ cho đất, sử dụng phân trùn quế, phân compost từ rác thải hữu cơ, phân cá, phân giun, dịch chiết thảo dược xua đuổi côn trùng và chữa bệnh từ cây ớt, tỏi, tro, vôi… Hiệu quả kinh tế của các mô hình trồng rau, lúa theo hướng hữu cơ được bảo đảm bởi người tiêu dùng sẵn sàng chi trả hợp lý để có được thực phẩm ngon, sạch.

Còn nhiều khó khăn để nhân rộng

Mặc dù đã có những sản phẩm, mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ nhưng đến thời điểm hiện tại Ninh Bình vẫn chưa có sản phẩm trồng trọt nào được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này. Đầu tiên là do quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất. Hơn nữa, chi phí sản xuất cao, trong khi đó sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ không ổn định. Với những vùng đất thâm canh cao, trước đây đã sử dụng nhiều phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật khi chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ trong những năm đầu, năng suất giảm rõ rệt và gặp nhiều khó khăn trong phòng, chống sâu bệnh, do áp lực sâu bệnh còn cao, cân bằng sinh thái bị phá vỡ trước đây cần thời gian để thiết lập lại. Ngoài ra, phải kể đến là trong quá trình canh tác hữu cơ, người sản xuất chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ, phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh bằng các biện pháp thủ công hoặc thuốc sinh học nên mất nhiều công lao động và khó thực hiện trên diện rộng, đặc biệt ở nước ta khí hậu nóng ẩm rất thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh phát triển và gây hại.

Một khó khăn khác đang trói buộc sản xuất hữu cơ đó là mặc dù hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, các tổ chức chứng nhận và khung pháp lý về nông nghiệp hữu cơ đã được ban hành nhưng chưa thực sự đồng bộ, chưa có những thông tư hướng dẫn chi tiết để thực hiện. Hơn nữa, giá chứng nhận tiêu chuẩn nông sản hữu cơ quốc tế quá cao, chưa được kiểm soát và thị trường nông sản hữu cơ xuất khẩu cũng chưa được định hướng và sự quan tâm đúng mức của nhà nước và doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết thêm: Phần lớn nông dân của chúng ta sản xuất với quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó trong việc gom diện tích để lập đội, nhóm sản xuất hữu cơ. Nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế, động lực quan trọng nhất của bà con vẫn là kinh tế, vì vậy việc tổ chức sản xuất để đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ là một thách thức lớn. Trong thời gian tới, rất cần có các chính sách hỗ trợ khuyến khích của trung ương, của tỉnh đối với những vùng quy hoạch sản xuất hữu cơ, nhất là những vùng áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Nam và được các tổ chức chứng nhận. Ngoài ra cũng cần đặc biệt khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ sinh học, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. 

Về phía Chi cục Trồng trọt & BVTV, chúng tôi cũng đang khuyến cáo các địa phương hạn chế không nhân rộng các diện tích gieo sạ lúa để giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ cỏ trên đồng ruộng. Khuyến khích người dân sử dụng phân bón hữu cơ thay vì phân hóa học như trước đây. Song song với đó, tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, giám sát quá trình sản xuất truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp hữu cơ.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: