Thứ Hai, 14/10/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

CHƯƠNG TRÌNH OCOP TỈNH NINH BÌNH

Thứ Năm, 22/06/2023

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm của Chương trình OCOP là tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2020, tỉnh Ninh Bình đã từng bước xây dựng phát triển sản phẩm địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP. Thực hiện Chương trình OCOP, ngày 12/7/2018 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 922/QĐ-UBND phê duyệt Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018-2020. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất để sản xuất các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm đặc sản có lợi thế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị, đẩy mạnh chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

Trà hoa vàng Cúc Phương - Công ty TNHH Dược liệu Vũ Gia

     Ninh Bình hiện có 76 làng nghề, nhiều nghề truyền thống có các sản phẩm làng nghề độc đáo, đa dạng. Một số sản phẩm của Ninh Bình đã có thương hiệu riêng như: Thịt dê, cơm cháy, mắm tép, ngao Kim Sơn, rượu Kim Sơn...Các sản phẩm chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu nội địa, mang đậm yếu tố truyền thống. Ngoài ra, thiên nhiên ưu đãi cho Ninh Bình tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm (lợn, dê, thỏ...), thủy hải sản (tôm, ngao)... Đây là những điều kiện thuận lợi để Ninh Bình có thể triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh.

     Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã có 101 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm hạng 3 sao, 68 sản phẩm hạng 4 sao (trong đó có 08 sản phẩm đạt trên 90 điểm).

     Phân theo đơn vị: Thành phố Ninh Bình: 9 sản phẩm; Thành phố Tam Điệp: 18 sản phẩm; Huyện Hoa Lư: 14 sản phẩm; Huyện Kim Sơn: 19 sản phẩm; Huyện Yên Mô: 8 sản phẩm; Huyện Nho Quan: 12 sản phẩm; Huyện Gia Viễn: 10 sản phẩm; Huyện Yên Khánh: 11 sản phẩm.

     Phân theo loại hình tổ chức sản xuất: Doanh nghiệp: 34 Công ty với 55 sản phẩm; Hợp tác xã: 23 HTX nông nghiệp với 32 sản phẩm; Hộ kinh doanh: 12 hộ với 14 sản phẩm;

     Phân theo nhóm sản phẩm: Nhóm thực phẩm: 53 sản phẩm (trong đó: 16 sản phẩm đạt 3 sao và 37 sản phẩm đạt 4 sao); Nhóm thảo dược: 21 sản phẩm (trong đó: 14 sản phẩm đạt 3 sao và 07 sản phẩm đạt 4 sao); Nhóm đồ uống: 07 sản phẩm (trong đó: 01 sản phẩm đạt 3 sao và 06 sản phẩm đạt 4 sao); Nhóm Vải và may mặc: 01 sản phẩm (đạt 4 sao); Nhóm lưu niệm, nội thất, trang trí: 16 sản phẩm (trong đó: 02 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao); Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch: 03 sản phẩm (đạt 4 sao).

Đông trùng hạ thảo khô - Cơ sở sản xuất Đông trùng hạ thảo Trường Sinh

     Với mục tiêu năm 2023 có thêm ít nhất 50 sản phẩm được công nhận đạt từ 03 sao trở lên; phấn đấu có sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết, kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản trong và ngoài tỉnh; hỗ trợ phát triển từ 03 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phát triển làng nghề, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Quản lý, duy trì, củng cố, nâng hạng, tổ chức đánh giá lại các sản phẩm OCOP hết thời hạn theo quy định và phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận đảm bảo chất lượng. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho 100% cán bộ quản lý chương trình ở cấp tỉnh, huyện, xã và chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất kinh doanh) tham gia Chương trình OCOP…

Cơm cháy nếp Như Quỳnh - DNTN sản xuất và chế biến thực phẩm Như Quỳnh

     Năm 2022, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu cho các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP của tỉnh, qua hội nghị nhằm tạo cơ hội để các hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh gặp gỡ, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp; quảng bá, trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh vẫn là các hoạt động xuyên suốt trong công tác xúc tiến thương mại của đơn vị trong thời gian qua. Tích cực tham gia hội chợ ở các thành phố lớn Hà Nội, Quảng Ninh, Cà Mau (tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại “Tuần Du lịch năm 2022 - Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An”, bến thuyền Tam Cốc, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư; tham gia hội chợ OCOP Quảng Ninh - Đông tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; tham dự Hội chợ “Ngày hội cua Cà Mau lần thứ nhất năm 2022” và “Hội chợ mua sắm khuyến mại kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam - Thái Lan và kết nối các sản phẩm OCOP” tại TP Cà Mau nhằm đưa các sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình vươn xa hơn ra các thị trường khó tính; tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại hội nghị Hội nghị liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng do sở Du lich tổ chức; tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh tại Lễ hội Hoa Lư năm 2023 từ ngày 28 - 30/4/2023 (tức ngày 09 đến ngày 11 tháng 3 năm Quý Mão)… Phối hợp với Sở Công thương, Sở Du lịch tỉnh tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các chủ thể OCOP như: quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại tỉnh Cà Mau; tổ chức đào tạo, tư vấn kỹ năng bán hàng cho các chủ thể OCOP; giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh tới các cơ quan ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp sử dụng là quà tặng trong các dịp lễ, tết, quà biếu, …

Bột ngũ cốc dinh dưỡng NAFOVI - Công ty cồ phần NOBIO Việt Nam

     Việc đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP từ năm 2022 trở lại thực hiện theo Quyết định 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm và Quyết định 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg. Năm 2023 thực hiện theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

 

 Chả cá vị không cay và Ruốc cá thảo dược vị nghệ - HTX TM, DV chế biến nông sản NB

     Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, du lịch có lợi thế ở mỗi vùng trên địa bàn tỉnh theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân thực hiện. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng KHCN, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng về Chương trình OCOP, sản phẩm OCOP. Đảm bảo Chương trình vận động tự giác, hiệu quả trở thành một phong trào thi đua khởi nghiệp mạnh mẽ. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm tiềm năng để được chứng nhận là sản phẩm OCOP. Phấn đấu có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, đặc hữu của tỉnh; theo hướng sản xuất VietGap, hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh, bền vững.

Tinh dầu tràm - HTX dược liệu Đông Sơn

     Chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP bao gồm:

     Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. Trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP: Tư vấn khảo sát lựa chọn sản phẩm tiềm năng mới để xây dựng kế hoạch hằng năm; rà soát, đánh giá sản phẩm đã đạt sao OCOP theo định kỳ (3 năm); Hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với phục vụ du lịch; Hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát và quản lý chương trình.

     Nghị quyết số 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình về Hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.

Nguồn: Ngô Thị Mai - Phòng Nghiệp vụ tổng hợp

https://sonongnghiep.ninhbinh.gov.vn/03-4053-chuong_trinh_ocop_tinh_ninh_bi_htm

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: