Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Yên Mô

Thứ Năm, 21/03/2024

Sáng 21/3, Đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh làm Trưởng đoàn đã về kiểm tra, làm việc với huyện Yên Mô về công tác xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Yên Mô

Các đại biểu dự hội nghị.

Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Yên Mô đã báo cáo tiến độ xây dựng NTM nâng cao của địa phương đến tháng 3/2024. Theo đó, 3 năm qua, sau khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện NTM vào năm 2020, huyện Yên Mô đã luôn nỗ lực, cố gắng để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng huyện NTM nâng cao.

Đến nay, cơ bản hạ tầng kỹ thuật của các lĩnh vực trên địa bàn huyện đã được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, từng bước hiện đại, theo quy hoạch. Kinh tế phát triển khá, sản xuất nông nghiệp chuyển dần theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ được duy trì. Toàn huyện hiện có 14 sản phẩm OCOP. 

Văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều giảm còn 1,97%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đến hết năm 2023, toàn huyện đã có 8 xã đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu (chiếm 50%), 52 thôn xóm kiểu mẫu (chiếm 22,4%). Thu nhập bình quân đạt 63 triệu đồng/người/năm. 

Kết quả rà soát cho thấy, huyện Yên Mô cơ bản đạt các tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn mới (2021-2025) và đạt 6/9 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao. Còn 3 tiêu chí chưa đạt gồm: Tiêu chí số 5 về Y tế - Văn hóa - Giáo dục; tiêu chí số 6 về Kinh tế; tiêu chí số 7 về Môi trường.

Để hoàn thành các nội dung, tiêu chí huyện NTM nâng cao, huyện Yên Mô đã xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện. Tuy nhiên, huyện cũng mong muốn UBND tỉnh cho Yên Mô được hưởng chính sách, cơ chế đặc thù như: Cấp lại 100% kinh phí phần ngân sách tỉnh được hưởng từ đấu giá quyền sử dụng đất cho huyện;  ưu tiên hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2024 và nguồn đầu tư phát triển thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để huyện có điều kiện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ xây dựng huyện NTM nâng cao.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với báo cáo của huyện, đồng thời đánh giá cao sự chủ động, quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của huyện Yên Mô trong công tác xây dựng NTM nâng cao thời gian qua. 

Đại diện một số sở, ngành đã phát biểu trả lời, làm rõ một số đề xuất, kiến nghị của huyện liên quan đến tiêu chí mà ngành phụ trách và gợi ý nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để huyện sớm hoàn thành các nội dung, tiêu chí đề ra. 

Trong đó, nhấn mạnh quan điểm, trước bối cảnh còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, huyện cần chọn việc để làm, nội dung gì cấp thiết, có thể huy động sức dân, có thể làm ngay được thì làm trước. Phải quản lý, kiểm soát tốt nợ xây dựng cơ bản; quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế cũng như đầu tư cho sự nghiệp giáo dục.

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc xây dựng nông thôn mới nâng cao tại huyện Yên Mô

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra.

Kết luận buổi kiểm tra, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô thời gian qua. Từ một huyện khó khăn, xuất phát điểm thấp, không gian dư địa, tiềm lực hạn chế hơn các địa phương khác trong tỉnh, Yên Mô đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả về mặt kinh tế cũng như văn hóa, xã hội; là huyện thứ hai của tỉnh đăng ký xây dựng huyện NTM nâng cao.

Đồng chí nhấn mạnh, tới đây, mục tiêu, khát vọng của tỉnh Ninh Bình là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, có bản sắc riêng. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng cần có bước chuyển rất lớn trong tư duy, chiến lược và hành động của từng cấp, ngành, địa phương. Trong đó, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở từng địa phương là một bước đệm quan trọng để tỉnh ta hoàn thiện các tiêu chí cho đô thị, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước mắt, trong năm 2024, với mục tiêu hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ để đề nghị Trung ương công nhận tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Yên Mô cũng phải đạt huyện NTM nâng cao thì mới đảm bảo các tiêu chí. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, do vậy đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Yên Mô cần chủ động, tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sớm rà soát, hoàn thiện các tiêu chí, huy động sự vào cuộc, tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, đoàn thể cũng như toàn dân vào cuộc. 

Các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh; các sở, ngành có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp, đồng hành cùng với huyện xây dựng kế hoạch, thời gian cụ thể để hoàn thiện các tiêu chí được phân công phụ trách, muộn nhất là tháng 6/2024 phải có hồ sơ sơ bộ để trình xin ý kiến. 

Đối với các kiến nghị của huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành xem xét tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện, trên tinh thần dành tối đa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cũng như nguồn lực tài chính để Yên Mô hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, sớm được công nhận là huyện NTM nâng cao.

Nguồn bài viết, ảnh: Nguyễn Lựu-Anh Tuấn

https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-cua-tinh-kiem-tra-viec-xay-dung-nong-thon-moi/d20240321104723326.htm

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: