Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi

Thứ Tư, 01/07/2020

Đợt nắng nóng gay gắt ở các tỉnh phía Bắc với nhiệt độ trung bình 36-37oc, có nơi tới 39-40oc… không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người mà còn tác động lớn đến các loại vật nuôi với nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là rất cao.

Biện pháp chống nắng, nóng cho đàn vật nuôi

Người chăn nuôi bố chí thêm máng uống nước cho gà nuôi trong chuồng

Đồng chí Nguyễn Thị Dịu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Đối với chăn nuôi lợn, chuồng trại cần được làm mát, có hệ thống tản nhiệt, tưới mát, thông gió. Xung quanh chuồng trồng nhiều cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Vệ sinh chuồng nuôi, thu gom phân vào hố chứa phân, có thể dùng để hỗ trợ chăn nuôi, giúp xử lý phân chuồng và làm sạch môi trường chăn nuôi, không cho dịch bệnh có điều kiện phát sinh. Cho lợn uống đủ nước, bổ sung B-complex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng… để lợn có miễn dịch phòng bệnh. Phòng chống bệnh viêm phổi lợn trong mùa hè; tiêu độc khử trùng định kỳ chuồng trại và khu vực chăn nuôi để diệt trừ mầm mống của dịch bệnh.

Trong chăn nuôi gia cầm: Cần giữ chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ; có phên che chắn nắng xung quanh, những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Cho gà ăn lúc trời sớm, còn mát; nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, khu vực cây có bóng mát quanh chuồng. Trường hợp nuôi nhốt với số lượng lớn, mật độ cao cần tăng thêm ô chuồng, giãn mật độ nuôi, tăng thêm số lượng máng ăn, máng uống, tăng cường quạt thông gió để giảm thiểu các khí độc thải ra trong chuồng nuôi. Ngoài ra, cần cung cấp nước sạch, mát và cho đàn gà uống tự do. Với những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi gà quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. Phòng bệnh cho gia cầm bằng vệ sinh tiêm phòng các loại vắcxin Newcastle, cúm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

Đối với đàn trâu, bò, dê: Chuồng trại cũng cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng, hàng ngày thu gom phân và rác thải, thực hiện ủ phân sinh học, không thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường. Trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh để có nhiều bóng mát. Hàng ngày cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30-35 kg thức ăn thô xanh, 0,5-1 kg thức ăn tinh, 20-30 gram (1 thìa cà phê) muối ăn để đảm bảo sức khỏe, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh tật. Tăng cường chăm sóc gia súc non do khi thời tiết nắng nóng sức đề kháng của chúng thấp hơn so với các con trưởng thành. Định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng các chế phẩm sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin. 

Cũng theo đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Trong thời kỳ nắng nóng gay gắt này, tất cả các loại hình chăn nuôi đều cần làm tốt công tác vệ sinh thú y, tăng cường vệ sinh chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ sinh ra từ phân và chất thải. Vệ sinh sạch sẽ máng ăn, máng uống, đặc biệt không để thức ăn dư thừa trong máng dễ gây ôi thiu. Đảm bảo nền chuồng sạch, khô ráo, cống rãnh không đọng phân, nước thải nhằm hạn chế phát sinh ruồi, muỗi và các sinh vật gây bệnh khác. Định kỳ phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè (dùng các loại thuốc sát trùng thông dụng như Virkon, Hanamid, HanIod, Hantox, formalin...). Khép kín quy trình phòng bệnh bằng các loại vắcxin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên kiểm tra và phát hiện sớm các gia súc ốm, bị bệnh để cách ly, báo thú y đến điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: