Thứ Tư, 01/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Đào tạo nghề - khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

Thứ Ba, 07/11/2023

Đào tạo nghề là giải pháp căn cơ nhất nhằm tạo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho lao động khu vực nông thôn. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Cần phải coi đào tạo nghề là một trong những khâu đột phá trong xây dựng cơ cấu nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại. Với tầm quan trọng ấy, công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn đã được các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện và đạt hiệu quả thiết thực.

Đào tạo nghề - khâu đột phá trong xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

Công ty TNHH may xuất khẩu Gia Phú (Gia Viễn) đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Minh Quang

Đón đầu xu hướng để dạy nghề trọng điểm 

Gia Viễn là địa phương có sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ, tỷ trọng các ngành công nghiệp đạt trên 80% ở thời điểm hiện nay. Tính từ năm 2008 đến tháng 6/2022, trên địa bàn huyện có 392 dự án với tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 988,6 ha để sử dụng vào mục đích như: xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kinh tế, đô thị, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng công cộng… Việc thu hồi đất đã làm hàng chục nghìn lao động bị mất việc và thiếu việc làm, chủ yếu là lao động nông thôn. Thực trạng này buộc họ phải tìm kiếm công việc khác hoặc phải chuyển nghề.

Ông Đinh Văn Thỏa, Chủ tịch UBND xã Gia Vân cho biết: Hiện nay, trong Cụm công nghiệp Gia Vân có 8 doanh nghiệp đang hoạt động. Với cam kết giải quyết việc làm cho lao động thuộc diện thu hồi đất, đến nay, các doanh nghiệp đang tạo việc làm cho khoảng 700 lao động ở xã Gia Vân. Ngoài ra, nhiều lao động làm việc trong các lĩnh vực khác, như trong các xưởng may vệ tinh, phục vụ du lịch, nhà hàng… Vì vậy, cơ bản ở Gia Vân không có tình trạng lao động trong độ tuổi, đủ khả năng lao động mà thiếu việc làm. Có việc làm, thu nhập ổn định, người dân tích cực tham gia đóng góp ngày công, kinh phí để xây dựng, hoàn thiện, nâng cao các thiết chế văn hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới và họ chính là đối tượng được thụ hưởng để nâng cao đời sống tinh thần. Ngoài ra, các hoạt động tương trợ, giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa… cũng được thực hiện có hiệu quả. 

Bà Vũ Thị Dược, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn khẳng định: Đón đầu xu thế việc làm để lựa chọn nghề truyền dạy cho lao động nông thôn, đó là cách mà huyện Gia Viễn đã thực hiện trong những năm qua. Nhờ đó, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm với thu nhập ổn định luôn đạt mức cao, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2020-2025, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, huyện Gia Viễn vẫn coi đào tạo nghề là giải pháp trọng tâm để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. 

Tuy nhiên, việc đào tạo nghề phải có sự thay đổi để bắt kịp với xu thế phát triển của những xã nông thôn mới. Theo đó, huyện tiếp tục làm tốt công tác dự báo về cung-cầu lao động để phối hợp với các cơ sở dạy nghề có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo vào năm cuối của nhiệm kỳ 2020-2025 đạt trên 70%; tổng số lao động địa phương làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn phải đạt trên 19 nghìn người. Mục tiêu quan trọng mà huyện Gia Viễn hướng tới trong giai đoạn mới này không chỉ là kết nối, đảm bảo việc làm cho người lao động mà còn tập trung tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, đưa lực lượng lao động có chất lượng vào làm việc, đảm nhận những vị trí việc làm chủ chốt tại các doanh nghiệp lớn trên địa bàn. 

"Kéo" doanh nghiệp tham gia dạy nghề 

Hiện nay, Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động (huyện Kim Sơn) đang thu hút lượng lao động lên tới hàng nghìn người, trong đó chủ yếu là lao động vệ tinh, rải đều ở các huyện Kim Sơn, Yên Khánh, Yên Mô, thành phố Tam Điệp… và một số tỉnh lân cận. Mức lương mỗi tháng đối với lao động làm đều đặn đạt trên 5 triệu đồng/người. Công việc chính của những lao động này là làm các sản phẩm mỹ nghệ từ cói. 

Ông Đỗ Như Phong, Giám đốc Xí nghiệp tư nhân cói Năng Động cho biết: Xí nghiệp được thành lập từ năm 1991 với loại hình sản xuất, kinh doanh là xuất khẩu hàng cói mỹ nghệ. Hiện nay, các sản phẩm của doanh nghiệp có mặt ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, Xí nghiệp đưa từ 250-300 container hàng sang các thị trường này. "Thị trường hàng thủ công mỹ nghệ vốn rất kỹ tính, có sự cạnh tranh gay gắt. Yêu cầu đặt ra cho mỗi sản phẩm là phải thể hiện được kỹ thuật, độ tinh xảo cao, do đó những người thợ đòi hỏi phải thực sự lành nghề, khéo léo và cẩn thận. Mỗi lô hàng trong hợp đồng mới lại có mẫu mã khác nhau. Để thực hiện được, Xí nghiệp phải liên tục cập nhật kỹ thuật, bắt kịp các xu thế mới để thích ứng và đảm bảo chất lượng, mẫu mã cho từng lô hàng. Như vậy, việc đào tạo nghề cho người lao động là nhiệm vụ mà Xí nghiệp phải thực hiện thường xuyên, liên tục" - ông Đỗ Như Phong khẳng định. 

Bà Trần Thị Thu Hằng, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kim Sơn cho biết: Kim Sơn là huyện thuần nông, người dân sống chủ yếu nhờ nông nghiệp. Vì vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Qua đào tạo đã góp phần nâng cao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cách làm nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và tạo sinh kế bền vững cho người dân khu vực nông thôn. 

Từ năm 2012 đến nay, các đơn vị đã thực hiện đào tạo và liên kết đào tạo nghề cho trên 10 nghìn lao động nông thôn. Riêng các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các xã, thị trấn trên địa bàn đã tổ chức dạy nghề cho trên 5 nghìn lao động nông thôn, cam kết tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hỗ trợ là trên 4,5 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, như: Doanh nghiệp tư nhân Ba Lan, chiếu cói Quang Phong, chiếu cói Kim Sơn..., với nghề đan cói, bèo bồng; doanh nghiệp Thùy Dung với nghề may công nghiệp... 

Nhờ có sự tham gia tích cực, chủ động của các doanh nghiệp, việc tạo việc làm cho người lao động sau học nghề đạt trên 90%, với thu nhập từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho lao động nông thôn. Không chỉ dừng lại ở đó, nguồn lao động này tiếp tục được bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng tay nghề hàng năm để đáp ứng kịp sự thay đổi của công nghệ và xu hướng công nghệ trên thị trường. 

Sẽ thay đổi để phù hợp 

Dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được tỉnh ta thực hiện và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Hơn 10 năm qua (2012- 2023), tỉnh Ninh Bình đã đào tạo nghề cho hàng chục nghìn lượt thanh niên nông thôn, sau đào tạo 100% thanh niên có việc làm; đào tạo nghề cho trên 5 nghìn lao động là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. 

Với kiến thức được đào tạo, nông dân đã mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, 80% nông dân sau khi học nghề có thu nhập khá, 10% nông dân sau khi học nghề đã chuyển đổi nghề; các địa phương, đơn vị đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho trên 170 nghìn lao động. Thông qua hoạt động đào tạo nghề đã nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn của lao động, góp phần tạo thêm nhiều việc làm với mức thu nhập ổn định cho người lao động. Người lao động đã đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí nông thôn mới. 

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Mục tiêu cuối cùng của đào tạo nghề cho lao động nông thôn là cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp và hàng hóa thủ công, tiểu thủ công nghiệp và của những ngành nghề mới ở nông thôn. Hiện nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đối diện với nhiều thách thức, đó là sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sự thay đổi về nhu cầu tuyển dụng… Vì vậy, các địa phương buộc phải có sự thay đổi cho phù hợp, hiệu quả. 

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đang triển khai các hoạt động đào tạo nghề theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Để công tác đào tạo nghề hiệu quả, phù hợp với tình hình mới, thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành những chính sách phù hợp nhằm đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô đi đôi với chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp theo từng cấp trình độ. Từ đó, tạo sự đột phát trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương. 

Các hình thức đào tạo cũng sẽ được đa dạng hóa cho phù hợp với các đối tượng học nghề. Bên cạnh việc định hướng, lựa chọn nghề phù hợp, chú trọng việc trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho người lao động, giúp người lao động có sự tương tác trực tiếp trong tiếp cận cơ hội việc làm, tìm được chỗ đứng trên thị trường…

Nguồn: Đào Hằng - Báo Ninh Bình

https://baoninhbinh.org.vn/dao-tao-nghe-khau-dot-pha-trong-xay-dung-nong-thon-hien-dai/d20231107082548562.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: