Thứ Hai, 14/10/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

"Cầu nối" đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân

Thứ Tư, 27/12/2023

Công tác Khuyến nông luôn là một phần không thể thiếu trong hành trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. 30 năm qua, không chỉ là "cầu nối" chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, Khuyến nông Ninh Bình còn tích hợp phổ biến các kỹ năng, kiến thức về kinh tế nông nghiệp để từ đó nâng cao nông trí và chuyên nghiệp hóa người nông dân, mở ra cơ hội giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước tạo dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.

 

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao đổi kinh nghiệm trồng nho Hạ Đen kết hợp du lịch sinh thái tại xã Ninh Giang (Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường

Những dấu ấn nổi bật 

Ngày 24/11/1993, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UB thành lập Trung tâm Khuyến nông, Khuyến lâm, Khuyến ngư Ninh Bình-tiền thân của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Bình hiện nay. Xuyên suốt 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình luôn đồng hành, sát sao cùng các cấp, các ngành và nông dân nỗ lực, phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Về giống cây trồng, những năm 90 của thế kỷ trước, với mục tiêu nâng cao năng suất, đảm bảo an ninh lương thực, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm, đánh giá, lựa chọn, đề xuất nhiều giống lúa mới, đặc biệt là lúa lai có khả năng sinh trưởng, chống chịu tốt với sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt để đưa vào sản xuất. Qua đó, giúp cải thiện năng suất, nông dân không những đủ gạo để ăn mà còn dư thừa để phục vụ chăn nuôi, bán ra thị trường. Những năm gần đây, khi vấn đề an ninh lương thực đã được đảm bảo, bám sát thực tiễn, Trung tâm chuyển hướng, khảo nghiệm tìm các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản để phổ biến trong sản xuất, kết hợp với phổ biến phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ăn ngon của người tiêu dùng; từng bước nâng cao chất lượng, giá trị, khẳng định thương hiệu lúa gạo Ninh Bình. 

Cùng với giống lúa, Trung tâm Khuyến nông còn phối hợp với các công ty, doanh nghiệp đưa các giống ngô, lạc, đậu tương, đậu xanh, rau màu mới vào sản xuất, nhằm đa dạng cây trồng, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả, gia tăng giá trị sản xuất, đặc biệt là trong vụ đông. 

Đối với kỹ thuật canh tác, phải kể đến công nghệ gieo mạ xuân có che phủ nilon trong, trồng lạc có che phủ nilon... Đặc biệt, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã rất thành công trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trước năm 2003, máy nông nghiệp của hộ gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay, đến nay, 100% diện tích lúa làm đất bằng máy; 95% diện tích trồng lúa thu hoạch bằng máy. Nổi bật là từ năm 2019 đến nay, Trung tâm đã đưa vào thử nghiệm và từng bước nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy kết hợp sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, giúp giảm đáng kể công lao động, khắc phục được việc sử dụng thuốc BVTV, nhất là thuốc trừ cỏ, trừ ốc, tạo dòng sản phẩm sạch, giá bán cao hơn so với lúa đại trà bình quân 5.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn khoảng 10 triệu đồng/ha/vụ. Ngoài ra, để từng bước ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất nông nghiệp, Trung tâm tiếp tục tổ chức trình diễn chuyển giao công nghệ sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân trên đồng ruộng. 

Một dấu ấn khác của Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình là việc xây dựng hàng loạt các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất màu, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như: Mô hình cải tạo vườn tạp sang trồng ổi, thanh long ruột đỏ đối với các vùng đất đồi như Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư; mô hình chuyển đổi đất lúa màu kém hiệu quả sang trồng chuối, ổi kết hợp với nuôi trồng thủy sản tại các vùng trũng như Yên Mô, Yên Khánh. Và gần đây là 2 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch là: Mô hình trồng nho Hạ đen và mô hình trồng sen thâm canh đem lại lợi ích kép cho người nông dân, khi vừa thu lợi nhuận từ nông sản vừa thu hút khách tham quan, chụp ảnh trải nghiệm. 

Trong chăn nuôi, ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tập trung xây dựng chương trình cải tạo đàn dê, bò địa phương. Qua 30 năm thực hiện, đã hỗ trợ gần 600 con dê giống lai Bách Thảo, dê giống lai Boer; gần 300 bò đực giống 3/4 máu Zebu và hàng trăm nghìn liều tinh nhập ngoại phối giống cho hàng nghìn bò cái, giúp cải tạo tầm vóc của đàn dê, bò địa phương theo hướng thịt, đảm bảo nguồn cung thực phẩm cũng như phục vụ hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án, mô hình khác đã được nông dân tiếp nhận, phát triển đại trà như: Mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chuồng kín trong chăn nuôi lợn thịt; chương trình liên kết phát triển chăn nuôi thỏ theo hướng hàng hóa; mô hình ép tách phân trong xử lý chất thải chăn nuôi. Đặc biệt, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 5.000 công trình khí sinh học Biogas, cơ bản giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi... 

Ngoài ra, dựa trên đặc điểm của từng tiểu vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh, chương trình khuyến ngư đã có những mô hình phù hợp để phát huy tối đa lợi thế vùng. Như vùng đất trũng Nho Quan, Gia Viễn có mô hình nuôi luân canh lúa-cá, nuôi tôm càng xanh, cá chép Tam bội, cá chuối, cá rô đồng... Vùng ven biển Kim Sơn có mô hình nuôi cua xanh, cá Hồng Mỹ, cá Chẽm, cá nâu, cá chim vây vàng, nuôi tôm nhiều giai đoạn... Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ trong nhà bạt được xây dựng giúp nông dân sản xuất được 3 vụ/năm, nuôi tôm được cả trong vụ đông giá rét, cho lợi nhuận gấp 3-5 lần so với chính vụ. 

Các tiến bộ kỹ thuật trong lâm nghiệp cũng được khuyến nông triển khai có hiệu quả như: Hướng dẫn nông dân thực hiện phương thức canh tác nông lâm kết hợp "lấy ngắn nuôi dài", trồng rừng xen nhiều tầng tán, nhiều loài cây nhằm tận dụng không gian sinh dưỡng, chống xói mòn. Đồng thời tiếp thu và xây dựng các mô hình với diện tích hàng trăm ha trồng mới bằng các giống tre lấy măng, trám ghép, keo lai, lát Mêhicô. 

Có thể khẳng định, các chương trình, dự án mô hình nông nghiệp mà Trung tâm Khuyến nông triển khai trong suốt 30 năm qua, đã tác động tích cực, toàn diện đến sản xuất và đời sống của nông dân, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Qua đó, góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh từ 50 triệu đồng/ha năm 2003 lên 86 triệu đồng/ ha năm 2011 và dự kiến là 155 triệu đồng/ ha năm 2023. 

Tiếp tục đổi mới toàn diện 

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, trong khi nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, áp lực lạm phát, rủi ro khó lường. Cùng với đó là các yếu tố bất thuận do biến đổi khí hậu, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng mạnh, dịch bệnh gia súc, gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp nói chung và hệ thống khuyến nông đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi công tác khuyến nông phải được đổi mới toàn diện theo hướng đa dạng, chất lượng và hiệu quả hơn. 

Đồng chí Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, bám sát định hướng của ngành, của tỉnh, nhu cầu của người dân, đặc biệt là Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững; Nghị quyết số 32/2022/ NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định về các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm tiếp tục xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ thông minh vào sản xuất. Đảm bảo xuyên suốt từ khâu giống, quy trình sản xuất, bảo quản, chế biến như: Mô hình mạ khay cấy máy, sử dụng máy bay, máy cấy không người lái trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây ăn quả tại các vùng đồi; mô hình trồng rau, quả trong nhà lưới, nhà kính; thử nghiệm các chế phẩm có nguồn gốc hữu cơ làm phân bón trong sản xuất nông nghiệp; các mô hình sử dụng thuốc BVTV thế hệ mới. 

Hình thành liên kết trong sản xuất, xây dựng tổ hợp tác, HTX ngành hàng trong các lĩnh vực nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế, như xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế trang trại nông nghiệp sinh thái, trải nghiệm gắn với phát triển du lịch, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường... 

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện tại, ngành Nông nghiệp đang chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, do vậy, hệ thống Khuyến nông cũng đang chuyển đổi để tiếp cận tư duy này bằng việc tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ và khép kín chuỗi giá trị nông sản, chú trọng phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng. Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, Khuyến nông luôn là lực lượng nòng cốt để nâng cao nông trí và chuyên nghiệp hóa người nông dân, vai trò của hệ thống khuyến nông không chỉ đơn thuần là kết nối chuyển giao khoa học kỹ thuật mà quan trọng hơn còn có ý nghĩa mang tính chất an sinh xã hội. Hệ thống khuyến nông sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển để thực hiện sứ mệnh của mình theo phương châm "ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông".

Nguồn: Báo Ninh Bình

https://baoninhbinh.org.vn/-cau-noi-dua-khoa-hoc-ky-thuat-den-voi-nong-dan/d20231227090424371.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: