Thời gian qua, ngành Công Thương đã triển khai nhiều chương trình đưa hàng Việt về khu vực miền núi để đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với nguồn hàng chất lượng cao với giá cả ưu đãi. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, từng bước thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Các đại biểu tham quan các gian hàng tại Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm nghiệp của vùng đối với đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan. Ảnh: Minh Quang
Từ ngày 19-23/10/2023, tại Sân vận động xã Cúc Phương, đông đảo người dân huyện Nho Quan đã có cơ hội được mua sắm, tham gia nhiều hoạt động hấp dẫn trong khuôn khổ "Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm nghiệp của vùng đối với đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan" do Sở Công Thương và UBND huyện Nho Quan phối hợp thực hiện.
Ông Hoàng Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình (Sở Công Thương) thông tin: Hội chợ triển lãm có quy mô 100 gian hàng với hơn 50 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tham gia. Hội chợ lần này được tổ chức tại huyện Nho Quan bởi đây là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (17,3%), đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, tỉ lệ đưa hàng Việt về khu vực này chưa cao.
Trong khi đó, Nho Quan là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm đặc sản. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất nhóm cây trồng chủ lực như: vùng sản xuất na rải vụ 100 ha, vùng sản xuất dứa 800 ha; vùng sản xuất trà hoa vàng 40 ha… Đến nay, toàn huyện có 16 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 4 sao, 8 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, nơi đây cũng được biết đến với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: Vườn Quốc gia Cúc Phương, hồ Đồng Chương, cơ sở bảo tồn gấu…
Thời gian qua, Sở Công Thương đã phối hợp với UBND huyện Nho Quan đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đồng thời tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, miền núi. Qua đó quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Theo ghi nhận, Hội chợ đã thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách đến vui chơi, tham quan, mua sắm. Bà Nguyễn Thị Thắm, bản Ao Lươn, xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan cho biết: "Tôi ở xa trung tâm huyện nên những phiên chợ hàng Việt như thế này là cơ hội để chúng tôi được mua sắm các mặt hàng có thương hiệu với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý mà không phải đi xa. Tôi đã lựa chọn được nhiều sản phẩm, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của gia đình dịp cuối năm".
"Hội chợ triển lãm sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông, lâm nghiệp của vùng đối với đồng bào các dân tộc huyện Nho Quan" giới thiệu nhiều nhóm mặt hàng tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình và một số tỉnh, thành phố trong cả nước như sản phẩm OCOP, sản phẩm nông, lâm sản, khoáng sản, sản phẩm du lịch, cơ khí, máy móc, thiết bị nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản, hàng may mặc, thời trang, lương thực, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ... Đặc biệt, tại Hội chợ còn có các gian hàng giới thiệu ẩm thực, đặc sản quê hương cùng các trò chơi dân gian, thể dục thể thao mang đậm màu sắc văn hóa của người Mường.
Ông Ngô Đức Tâm, đại diện Công ty TNHH Thương mại chế biến thực phẩm Dòng sông xanh cho biết: "Các sản phẩm của Công ty tham gia Hội chợ đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng; chủ yếu là ruốc cá các loại. Để bà con được tiếp cận hàng đặc sản với giá cả phải chăng, các sản phẩm đưa ra đều có mức giá bán thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm".
Cũng theo nhiều doanh nghiệp tham gia Hội chợ, các đơn vị không chú trọng nhiều đến yếu tố lợi nhuận, doanh thu mà chú trọng đến mục tiêu an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào nông thôn, miền núi có cơ hội được tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao. Hội chợ là cơ hội để họ tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương với các tỉnh lân cận. Đồng thời là "kênh" quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trực quan, hiệu quả. Qua đó góp phần khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công, xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp Ninh Bình, thành công của Hội chợ lần này không chỉ đơn thuần đạt được doanh số bán hàng, quan trọng hơn là làm chuyển biến nhận thức của người tiêu dùng về lựa chọn hàng hóa. Thông qua hoạt động đưa hàng Việt về với các khu vực khó khăn, người dân vùng nông thôn được tìm hiểu, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá của hàng sản xuất trong nước với những hàng hóa trên thị trường.
Trong thời gian tới, Trung tâm đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ tổ chức khoảng 5 đợt cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại ở các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Hải Phòng, Nghệ An và một số tỉnh ở khu vực Tây Bắc.
Nguồn: Minh Hải - Báo Ninh Bình
https://baoninhbinh.org.vn/dua-hang-viet-ve-nong-thon-mien-nui/d20231030080843429.htm
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: