Thứ Tư, 01/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn

Thứ Năm, 14/12/2023

Phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện được điều này, nông thôn cần phát triển toàn diện theo hướng NTM, trong đó hệ thống giao thông là một bộ phận không thể thiếu, vừa là điều kiện tiền đề, vừa mang tính chiến lược lâu dài để nâng cao đời sống cho người dân.

Tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn

Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường trục chính chợ Cát Tam Tòa, xã Khánh Trung (Yên Khánh) cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh chia sẻ: Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, xã Khánh Trung đặc biệt chú trọng hoàn thiện nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương. Việc hoàn thiện hệ thống giao thông sẽ tạo hành lang mở rộng không gian phát triển, tạo bước đột phá cho Khánh Trung và các xã lân cận. Chính vì vậy xã Khánh Trung đã tiến hành triển khai Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đường trục chính Chợ Cát-Tam Tòa với chiều dài hơn 2km, tổng vốn đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng từ nguồn vốn thường xuyên, vốn sự nghiệp của xã. 

Ông Nguyễn Văn Vịnh, đại diện đơn vị thi công cho biết: Từ khi triển khai thi công, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thuận lợi. Đồng thời, để vận động bà con tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể đảm bảo công trình được thi công nhanh gọn, hiệu quả, chất lượng. Chính vì thế, tranh thủ thời tiết nắng ráo, nhà thầu đã tiến hành thi công thảm bê tông nhựa áp phan mặt đường. Sau khi hoàn thành bề mặt đường, đơn vị sẽ tiến hành kẻ vạch sơn, gờ giảm tốc, biển báo giao thông toàn tuyến theo quy chuẩn. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành, không chỉ góp phần tạo diện mạo mới cho quê hương, điều đặc biệt hơn là tuyến đường trục chính Chợ Cát-Tam Tòa sẽ kết nối liên thông với tuyến đường hiện hữu Bái Đính-Kim Sơn và tới đây là tuyến cao tốc Ninh Bình-Thái Bình-Hải Phòng, mở ra cơ hội kết nối giao thương hàng hóa với các địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền là mục tiêu quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Trong quá trình xây dựng, các địa phương trong tỉnh đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn cũng như huy động sự tham gia tích cực của người dân hiến đất để làm đường. Hàng năm, tiếp tục huy động để duy tu bảo dưỡng, xây dựng mới, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế ở địa phương. Tiêu biểu như tuyến đường Quốc lộ 38B trên địa bàn huyện Hoa Lư mới được sửa chữa nền, mặt đường và bổ sung một số hạng mục phù hợp với thực tế, qua đó khắc phục tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn giao thông, chống ngập úng, duy trì và đảm bảo khai thác với tổng mức đầu tư trên 9,3 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. 

Ông Trần Minh Thụy, xã Ninh Hòa (Hoa Lư) cho biết: Từ khi mở rộng con đường, người dân địa phương đi lại rất an toàn, tạo thuận lợi cho du khách đến các điểm du lịch của tỉnh như: Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc, Tràng An và các khu vực phụ cận. 

Đồng chí Nguyễn Quang Minh, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải cho biết: Qua 12 năm xây dựng NTM, toàn tỉnh có 100% huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% số xã có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đạt yêu cầu các tiêu chí NTM, trong đó 25,2% số xã đạt chuẩn ở mức nâng cao. Hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM đều có đường ô tô đến trung tâm xã và từ trung tâm xã đến các thôn được rải nhựa hoặc đổ bê tông, đảm bảo chất lượng; đường trục chính nội đồng và đường ngõ xóm cũng được cứng hóa, không bị lầy lội trong mùa mưa. 

Trong quá trình xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đã huy động các nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình giao thông có tính kết nối liên vùng, lan tỏa và mở ra dư địa phát triển ở những khu vực nông thôn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là với hệ thống đường giao thông thôn, xóm, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm, tỉnh thực hiện cơ chế Nhà nước hỗ trợ xi măng, người dân và cộng đồng đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng, hàng nghìn ngày công, hiến hàng chục ha đất để làm 16.904 tuyến đường với tổng chiều dài 2.138,7 km. Hệ thống thủy lợi nội đồng được quan tâm đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán của người dân cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con. 

Đặc biệt, thời gian qua, Ninh Bình đã huy động tối đa mọi nguồn lực, thu hút nguồn vốn để đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm như: Tuyến đường ĐT482, tuyến đường bộ ven biển, tuyến T21... Các tuyến đường này cùng với hệ thống tuyến đường quốc lộ, đường địa phương hiện có giúp tỉnh kết nối với đường cao tốc Bắc-Nam, tạo thành mạng lưới giao thông cơ bản hoàn chỉnh, mở ra nhiều không gian, dư địa mới, tạo ra sự kết nối đồng bộ, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. 

Những kết quả đột phá về giao thông trong thời gian qua không chỉ làm thay đổi diện mạo, sắc thái đối với các địa phương có tuyến đường đi qua mà còn tạo ra sự kết nối đồng bộ giữa trục giao thông quan trọng của Quốc gia với hệ thống giao thông của địa phương, giữa thành thị với nông thôn, giữa vùng núi với đồng bằng và vùng biển; kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị và kết nối Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An. Thông qua đó, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được liên tục, nhanh chóng, tăng cường mở rộng vùng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các ngành chế biến nông-lâm-thủy sản; mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp ở nông thôn… Đồng thời giúp người dân nông thôn tăng khả năng tiếp cận về y tế, giáo dục, giao lưu văn hóa của các cộng đồng dân cư, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Nguồn tin, ảnh: Nguyễn Thơm - Báo Ninh Bình

https://baoninhbinh.org.vn/tao-dong-luc-phat-trien-kinh-te-nong-thon/d2023121308233519.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: