Chủ Nhật, 10/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi

Thứ Năm, 22/03/2018

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ổ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi. Tuy nhiên, để chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản năm 2018, tỉnh Ninh Bình đã triển khai tích cực, chủ động các biện pháp để khống chế, ngăn chặn dịch bệnh động vật phát sinh và lây lan; bảo vệ, phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn chặn dịch bệnh nguy hiểm ở động vật lây sang người.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có hơn 455 nghìn gia súc và trên 5 triệu con gia cầm. Năm 2017, ngành chăn nuôi tỉnh đã tiêm được 1.776 liều vắc xin tụ huyết trùng; 8.615 liều vắc xin lở mồm, long móng cho đàn trâu bò; gần 100 nghìn liều vắc xin dịch tả cho đàn lợn và hơn 1,1 triệu lượt con gia cầm. Nhằm hạn chế dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm 2018, ngành chăn nuôi tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung đẩy mạnh triển khai tiêm phòng vắc xin với phương châm phòng bệnh là chính.

Từ đầu năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các địa phương tập trung kiểm tra, rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện phải tiêm phòng, phấn đấu hoàn thành công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo kế hoạch đề ra.

Tại huyện Nho Quan, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tiêm phòng cho gia súc, gia cầm chăn nuôi tại các hộ gia đình, các trang trại, gia trại, cơ sở chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Trong đó, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc bằng các loại vắc xin trong danh mục các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc như: vắc xin dịch tả, tụ huyết trùng, đóng dấu, phó thương hàn và vắc xin lở mồm, long móng tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% tổng đàn lợn; tiêm vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm, long móng đạt tỷ lệ 80% tổng đàn trâu bò và tập trung tiêm phòng triệt để cho đàn vịt, đạt tỷ lệ 100% số vịt trong diện tiêm, khuyến khích tiêm cho đàn gà. Khi có dịch xảy ra thì tổ chức tiêm bao vây cho tất cả gia cầm tại xã có dịch và các xã bị uy hiếp.

Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Bên cạnh công tác tiêm phòng, huyện Nho Quan tổ chức chặt chẽ hệ thống giám sát để kịp thời phát hiện, khai báo, quản lý, khống chế dịch bệnh từ người chăn nuôi ở thôn, bản, tổ dân phố đến hệ thống thú y. 

Đồng thời tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm để đánh giá sự lưu hành vi rút, vi khuẩn gây bệnh; phân tích hiệu giá kháng thể sau tiêm phòng đối với gia súc, gia cầm được tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn, lở mồm, long móng, cúm gia cầm... thực hiện 2 lần trong năm.

UBND huyện cũng đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các xã, thị trấn trong huyện chủ động giám sát tất cả các khu vực chăn nuôi tại các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống ở khu vực nông thôn đều phải thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh. 

Hướng dẫn các hộ dân, cơ sở chăn nuôi, giết mổ quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm, xung quanh khu vực chuồng nuôi; phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, khơi thông cống rãnh, thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn. Phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần. 

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện dùng vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn... trước khi ra vào cơ sở chăn nuôi sau mỗi lần vận chuyển. Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan sau mỗi buổi họp chợ.  Những quầy bán thịt gia súc, gia cầm phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc sát trùng sau mỗi buổi chợ.

Trong Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, dịch bệnh thủy sản. Yêu cầu các cơ quan chuyên môn, địa phương tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc xin, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng phải đảm bảo đúng theo quy định tại Thông tư 07/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn. Yêu cầu 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo các địa phương tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng (từ 1/3 đến 31/3/2018) ở tất cả các khu vực chăn nuôi tại các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nhỏ lẻ và các cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm.

Các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống ở khu vực nông thôn đều phải thực hiện vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh nhằm tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn sự phát sinh và lây lan của dịch bệnh trên đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ sản xuất, chăn nuôi, vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng.

Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: