Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi

Thứ Tư, 31/10/2018

Để tạo nên những sản phẩm chăn nuôi có thể đứng vững và cạnh tranh được với thị trường trong nước cũng như nước ngoài, trong những năm qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã tích cực hỗ trợ người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu, Ninh Bình có tiềm năng rất lớn để phát triển chăn nuôi. Toàn tỉnh hiện có trên 400 nghìn con lợn; đàn trâu, bò trên 58 nghìn con; đàn gia cầm trên 5,5 triệu con. Để triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp lĩnh vực chăn nuôi, trong những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, triển khai các mô hình, dự án... tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đối với giống vật nuôi, con lợn có các giống: Duroc, Pietran, PiDu…,con bò có các giống: Redsind, Bradman, tinh bò 3B…là những giống cao sản của thế giới đều được nuôi tại các trang trại trong tỉnh. Các công nghệ chuồng trại tiên tiến như chuồng kín, chủ động kiểm soát được nhiệt độ trong chuồng nuôi; đệm lót sinh học; công nghệ xử lý chất thải bằng men vi sinh, máy vắt phân, bể biogas phủ bạt HDPE đã góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật được xem là khâu then chốt, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho người chăn nuôi mà còn từng bước thay đổi nhận thức, tư duy, cách làm mới cho người dân. Phương thức chăn nuôi đang có sự dịch chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình truyền thống, sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hoá lớn. 

Từ khi Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được ban hành cuối năm 2014 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và thị trường tiêu thụ biến động nhưng lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn tăng trưởng khá; các chỉ tiêu sản xuất chăn nuôi đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra trong đề án. Năm 2017, giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt trên 2.050 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng trên 2%/năm, (mục tiêu Đề án là 1%/năm), cơ cấu GDP chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm khoảng 30%.

Thực hiện Nghị quyết 37 của HĐND tỉnh về “Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” gắn với tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tỉnh Ninh Bình xác định duy trì số lượng đàn trâu khoảng 15 nghìn con, đàn bò khoảng 41 nghìn con, đàn dê trên 24 nghìn con, đàn lợn khoảng 410 nghìn con, đàn gia cầm đạt 5 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi đạt trên 58 nghìn tấn. Phát triển chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 2,5%/năm, đảm bảo đóng góp tỷ trọng GDP trong ngành nông nghiệp đến năm 2020 từ 30% trở lên.

Việc chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đã và đang góp phần phát triển những sản phẩm chủ lực có lợi thế, cạnh tranh cao trên thị trường, gia tăng hiệu quả kinh tế cho người nông dân, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững và thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Do đó ngành Nông nghiệp cần tăng cường tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.

Theo nbtv.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: