Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Thứ Sáu, 15/12/2017

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp & PTNT, từ đầu năm đến nay trên địa bàn Ninh Bình, tình hình dịch bệnh ở đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, không xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm.

Tuy nhiên, do lịch tiêm phòng vụ thu đông bị chậm so với kế hoạch, cộng thêm thời tiết giao mùa nên một số dịch bệnh thông thường xảy ra theo mùa đã xuất hiện rải rác tại các địa phương. Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với các địa phương đang tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ cũng như đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trước những bệnh dịch nguy hiểm.

Đến thăm gia trại của bà Nguyễn Thị Điều, thôn áng Ngũ, xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư vừa lúc nhân viên thú y cơ sở đến tiêm phòng cho đàn lợn của gia đình. Bà Điều cho biết: Gia đình đang nuôi 3 con lợn nái và gần 20 con lợn thịt. 

Mặc dù hơn 1 năm nay giá lợn hơi xuống thấp, chăn nuôi thua lỗ, phải giảm đàn nhưng với số lợn còn lại bà vẫn cố gắng duy trì, chăm sóc tốt. May mắn được Nhà nước hỗ trợ tiền vắc xin, cán bộ thú y xã lại đến tận nhà tiêm phòng nên bà rất yên tâm về vấn đề dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Dĩ, cán bộ thú y xã Ninh Hòa chia sẻ: Hiện nay toàn xã có khoảng 700 con lợn, trên 100 con trâu, bò và 21 nghìn con gia cầm. Do làm tốt công tác tuyên truyền nên người chăn nuôi của xã từ lâu đã nâng cao ý thức, chấp hành tiêm phòng đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. 

Ví như ở vụ tiêm phòng thu đông này, tuy mới triển khai tiêm chưa đầy 1 tháng nhưng tỷ lệ tiêm phòng đã đạt trên 70% tổng đàn; thậm chí, vắc xin lở mồm, long móng trên trâu bò, chỉ trừ một số con đang chửa là không tiêm, còn lại đều được tiêm.

Công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ thu năm nay tại Hoa Lư đang được huyện chỉ đạo đồng bộ và quyết liệt. Huyện đã sớm triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm vụ thu đông 2017; yêu cầu tất cả các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, nắm chắc số lượng đàn gia súc, gia cầm của địa phương; triển khai tập huấn về kỹ thuật tiêm phòng cho đàn vật nuôi cho mạng lưới thú y cơ sở. 

Ngay sau khi nhận được số lượng vắc xin được phân bổ, hầu hết các xã, thị trấn lên lịch tiêm phòng cho lợn, trâu, bò, gia cầm gọn trong tháng 11 và đầu tháng 12. 

Phòng Nông nghiệp &PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với một số phòng, ban liên quan phân công cán bộ thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng ở các xã, thị trấn, tập trung ở những địa phương có ổ dịch cũ, có tỷ lệ tiêm phòng thấp qua nhiều vụ. 

Đài Phát thanh huyện tăng thời lượng tuyên truyền về hiệu quả của việc tiêm phòng vắc-xin trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; cập nhật tiến độ tiêm phòng, biểu dương những đơn vị có tiến độ tiêm khá, đôn đốc các địa phương triển khai chậm… 

Nhờ vậy, sau 20 ngày triển khai, Hoa Lư đã tiêm vắc xin dịch tả, phó thương hàn, tụ dấu cho 5.500 con lợn; vắc xin lở mồm, long móng cho 600 con trâu, bò; vắc xin cúm gia cầm cho trên 19 nghìn thủy cầm; tỷ lệ tiêm tùy theo loại vắc xin đạt từ 63- 78% so với kế hoạch.

Thông thường việc tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm vụ thu đông được bố trí vào khoảng giữa tháng 9 cho đến hết tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên vụ thu đông năm 2017 này, do nguồn kinh phí bố trí để mua vắc xin hỗ trợ đến chậm nên thời gian tiêm phòng bị rời lại đến tận đầu tháng 11. 

Cán bộ thú y ở một số địa phương cho biết: Công tác tiêm phòng nên được triển khai sớm từ khoảng giữa tháng 9 để vật nuôi có được kháng thể kháng lại được dịch bệnh trước khi thời điểm chuyển mùa bắt đầu. 

Tuy nhiên năm nay, do tiêm phòng muộn, để đến khi thời tiết mưa, lạnh mới bắt đầu tiêm nên một số dịch bệnh thông thường xảy ra theo mùa đã xuất hiện. Đây là một cái khó cho công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, bởi cán bộ thú y phải thực hiện song song hai việc vừa chữa bệnh, vừa tiêm phòng.

Được biết, để khắc phục những khó khăn trên, ngay sau khi tiến hành xong các thủ tục đấu thầu vắc xin, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp phát xuống các địa phương, đồng thời yêu cầu các huyện, thành phố chỉ đạo quyết liệt, sát sao để đảm bảo tiến độ và tỷ lệ tiêm phòng đạt từ 80% kế hoạch trở lên. 

Đặc biệt, đối với các xã, phường đã xảy ra dịch phải đạt 100% đàn vật nuôi được tiêm phòng các loại vắc xin. Những địa phương nào có khó khăn trong công tác tiêm phòng có thể đề xuất để Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện điều hành thú y cơ sở hỗ trợ tiêm. 

Đến ngày 30/11, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiêm phòng vụ thu đông cho đàn gia súc, gia cầm. 

Toàn tỉnh đã tiêm vắc xin dịch tả, phó thương hàn, tụ dấu cho trên 94 nghìn con lợn (đạt 61% kế hoạch); vắc xin lở mồm, long móng cho gần 9.000 con trâu, bò (đạt 34% kế hoạch); vắc xin cúm gia cầm cho trên 1 triệu lượt con gia cầm (đạt 81% kế hoạch).

Hiện nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang tiếp tục đôn đốc các địa phương song song với việc tiêm phòng, thực hiện rà soát, thống kê tổng đàn vật nuôi, từ đó nắm số lượng để có khuyến cáo hợp lý trong phát triển chăn nuôi. Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. 

Thực hiện kiểm tra, kiểm soát giết mổ đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp. Yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng, đảm bảo chất lượng và số lượng. 

Kết thúc đợt tiêm phòng chính vụ, tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho những con gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính vụ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh xảy ra, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
 

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: