Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Hiệu quả bước đầu từ sản xuất lúa không sử dụng thuốc và phân bón hóa học

Thứ Ba, 06/11/2018

Từ mô hình cho thấy hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-HĐND, Sở Nông nghiệp & PTNT đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản được thực hiện ở 3 xã Khánh Trung, Khánh Nhạc (Yên Khánh) và Xuân Thiện (Kim Sơn). 

Quy mô vùng dự án là 14,9 ha, trong đó: Diện tích trồng lúa là 11,2 ha, chiếm 81,8% diện tích; diện tích ao, kênh mương là 2,1 ha, chiếm 15,3% (có 4 ao nuôi chạch sụn, mỗi ao 0,12 ha nằm ở Khánh Trung và Xuân Thiện). Các giống lúa được đưa vào sản xuất là những giống lúa đặc sản truyền thống, bao gồm nếp cau, tám, dự. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các điểm tiến hành gieo mạ từ ngày 10/6- 15/6/2018 bằng hình thức mạ dầy xúc và cấy khi tuổi mạ đạt khoảng 30 ngày. 

Riêng điểm Xuân Thiện do mưa úng đầu vụ, nên tuổi mạ tới 45 ngày. Phân bón được sử dụng là loại phân hữu cơ 6 do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất và cung cấp trên cơ sở có sự phân tích đất tại các điểm thực hiện dự án. Định mức phân bón bình quân là 1.700 kg/ha. Việc phòng trừ dịch hại, sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học và biện pháp thủ công. 

Đến nay năng suất bình quân ước đạt: Nếp cau từ 44,6 - 46 tạ/ha tùy theo mỗi điểm; tám 38 tạ/ha; dự 38 tạ/ha. Ba giống lúa đặc sản trên được đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ, có thể khẳng định đã thành công với năng suất trung bình không thấp hơn lúa sản xuất đại trà theo cách thông thường; chất lượng đảm bảo an toàn; giá bán khoảng 20.000 đồng/kg lúa thành phẩm, cao hơn 8.000 đồng/kg so với lúa sản xuất theo cách thông thường. Sơ bộ tính toán ở lĩnh vực này cho thấy: Mức đầu tư sản xuất bình quân khoảng 46 triệu đồng/ha và cho lãi 42,5 triệu đồng/ha.

Giống thủy sản được lựa chọn nuôi là chạch sụn, cá trắm và cá chép. Lượng giống chạch sụn được thả là 288 nghìn con; giống khỏe, kích cỡ đồng đều, trung bình 1g/con; dự kiến thu hoạch vào trung tuần tháng 11/2018 với năng suất dự kiến đạt 11,3 tấn/ha; sản lượng 5,4 tấn. Cá được bố trí thả ở hệ thống kênh và mặt ruộng với tổng diện tích 11,2 ha, trong đó diện tích kênh nuôi là 1,6 ha. 

Tại Khánh Trung và Xuân Thiện cá giống được thả làm 2 đợt vào ngày 21/8 và 5/9; tại Khánh Nhạc thả ngày 24/8. Tổng lượng cá giống thả là 33,5 nghìn con; dự kiến thu hoạch vào tháng 5/2019; tổng sản lượng 51,1 tấn... Hạch toán sơ bộ ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cho thấy: Đối với điểm Khánh Trung và Xuân Thiện một năm nuôi 2 lứa chạch và 1 lứa cá, bình quân chi phí nuôi thủy sản khoảng 220 triệu đồng/ha, cho lãi khoảng 72 triệu đồng/ha. Đối với điểm Khánh Nhạc nuôi 1 lứa cá/năm chi phí bình quân 103 triệu đồng/ha, cho lãi 31,6 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp hữu cơ Khánh Trung (Yên Khánh) cho biết: HTX Nông nghiệp hữu cơ Khánh Trung mới được thành lập với 7 thành viên và là một trong các đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh được tiếp nhận mô hình sản xuất lúa hữu cơ kết hợp với nuôi trồng thủy sản trong quy mô 5 ha của mình. Được sự hướng dẫn, giúp đỡ của ngành nông nghiệp, Tập đoàn Quế Lâm... các thành viên trong HTX đã thực hiện đúng quy trình kỹ thuật hướng dẫn và đã đạt kết quả bước đầu. 

Tuy nhiên để làm các mô hình sản xuất này vẫn còn những khó khăn, như: Vấn đề tiêu thụ nông sản (lúa nếp hạt cau, cá); giá thành sản phẩm còn cao do chi phí sản xuất lớn; cơ sở vật chất: phục vụ sản xuất... còn yếu và thiếu đồng bộ, rất cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành.

Cách làm cần được đầu tư, nhân rộng

Mô hình thí điểm “Sản xuất lúa đặc sản theo hướng hữu cơ kết hợp với nuôi trồng thủy sản” được triển khai nhằm mục đích nâng cao thu nhập trên đất trồng lúa cho người nông dân; đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và cải tạo đất, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, nông thôn. Hình thành HTX ngành hàng với các thành viên là các hộ, gia đình góp đất, vốn để sản xuất hàng hóa nông sản tập trung theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp thu mua.

Đồng chí Phạm Văn Trung, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Từ tháng 5/2018 Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND các huyện Yên Khánh, Kim Sơn tiến hành khảo sát, chọn địa điểm thực hiện và tổ chức họp các hộ tự nguyện tham gia, ký cam kết thực hiện dự án với UBND các xã. Sở Nông nghiệp & PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương khảo sát, thiết kế hệ thống kênh mương, ao nuôi và tiến hành thuê đào đắp theo thiết kế, đúng với quy trình kỹ thuật; chuẩn bị các giống lúa, phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm lấy và phân tích mẫu đất, mẫu nước làm cơ sở sản xuất phân hữu cơ cho phù hợp; lựa chọn, mua thuốc BVTV nguồn gốc sinh học; đặt mua giống chạch sụn, giống cá trắm, chép và thức ăn. 

Các xã Khánh Trung, Khánh Nhạc, Xuân Thiện tập trung lựa chọn địa điểm, chọn hộ, thành lập ban lâm thời cho đến thành lập HTX, tổ hợp tác ngành hàng. Phân bón được sử dụng trong mô hình là loại phân hữu cơ 06 do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất, cung cấp trên cơ sở phân tích đất tại các điểm thực hiện dự án với định mức là 1.700 kg/ha. 

Qua theo dõi, kiểm tra đồng ruộng cho thấy: Sản phẩm nông nghiệp làm ra đạt yêu cầu về chất lượng; năng suất cũng cao hơn, đặc biệt môi trường sinh thái được bảo vệ. 

Các loài sinh vật như cua, ếch, nhái và thậm chí cả rắn đã xuất hiện trở lại trong vùng thực hiện dự án... biểu hiện rõ nét về phục hồi hệ sinh thái khi thực hiện sản xuất lúa hữu cơ nói riêng và sản xuất nông nghiệp hữu cơ nói chung.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mới của ngành Nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, khi mà vấn đề an toàn nông sản, thực phẩm đang được xã hội quan tâm hàng đầu. Kết quả bước đầu đạt được ở các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại xã Khánh Trung, Khánh Nhạc (Yên Khánh), Xuân Thiện (Kim Sơn) cho thấy: Đã có sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo địa phương và người dân trong việc nâng cao chất lượng nông sản với việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. 

Đó cũng là cách để bảo vệ sức khỏe và môi trường cho cộng đồng dân cư. Các xã, HTX trên là những địa phương đã mạnh dạn đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ; cũng như việc lưu giữ, bảo tồn và phục hồi giống lúa đặc sản của địa phương. 

Từ hiệu quả trên, tỉnh cũng cần xem xét, xây dựng cơ chế chính sách để mở rộng mô hình ở các vụ sau, năm sau và không chỉ ở lĩnh vực sản xuất lúa mà ở cả các lĩnh vực trồng rau, củ, quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: