Thứ Sáu, 26/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Kim Sơn: Đồng bộ các giải pháp để sản xuất vụ Mùa hiệu quả

Thứ Năm, 21/07/2022

Xác định vụ Mùa là vụ sản xuất có nhiều khó khăn, thường gặp bất lợi, rủi ro về thời tiết, sâu bệnh. Vì vậy để để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra, huyện Kim Sơn chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn thực hiện đồng bộ các giải pháp phù hợp ngay từ đầu vụ. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Việc đưa máy cấy vào sản xuất giúp HTX Đồng Hướng rút ngắn thời gian gieo cấy. Ảnh: Nguyễn Lựu

Chạy đua với thời gian

Trên địa bàn huyện Kim Sơn những ngày này, các cánh đồng đã được cày, bừa xong, nước xăm xắp mặt ruộng. Bất chấp thời tiết nắng nóng, các hộ gia đình vẫn tập trung nhân lực để gieo cấy, không khí sản xuất vô cùng khẩn trương, màu xanh của mạ non dần phủ kín mặt ruộng.

Bà Nguyễn Thị Thắm ở xóm 9, xã Kim Chính chia sẻ: "Mọi năm, vào thời điểm này lúa đã bắt đầu bén rễ, hồi xanh nhưng năm nay chúng tôi mới đang bắt đầu cấy. Thu hoạch lúa Xuân muộn nên vụ Mùa cũng bị chậm lại gần nửa tháng. Nhà chỉ có 5 sào lúa nhưng tôi vẫn phải mượn thêm người cấy mới mong kịp tiến độ".

Trao đổi với ông Trần Gia Thoại, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Kiến Trung (xã Kim Chính), được biết: Vụ mùa năm nay, áp lực thời vụ rất lớn do vậy nước tưới tiêu, giống, phân bón, … đã được HTX và bà con nông dân chuẩn bị với nỗ lực cao nhất. Ngay sau khi thu hoạch xong lúa Xuân, chúng tôi chủ động họp thống nhất giá làm đất, phân chia từng xứ đồng cho các chủ máy, tập trung cày lật đất, bừa ngả theo đúng kế hoạch. Bà con mới bắt đầu xuống đồng gieo cấy từ ngày 15/7 nhưng do ruộng mạ đã sẵn sàng nên chỉ gói gọn khoảng 10 ngày là có thể khép kín toàn bộ diện tích 280 ha.

Còn tại xã Đồng Hướng, điểm mới vụ này là HTX phối hợp với một tổ dịch vụ trên địa bàn để đưa máy cấy vào phục vụ bà con, chính vì vậy tiến độ sản xuất được đẩy nhanh hơn. Ông Trần Văn Rồng, nông dân ở đội 2, Đồng Hướng phấn khởi: Nhà tôi làm 1 mẫu ruộng, mọi năm cứ vào vụ là chạy đôn chạy đáo tìm người cấy thuê. Năm nay có máy cấy nên nhàn tênh, chi phí lại giảm hơn nhiều so với trước.

Theo ông Nguyễn Viết Ái, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp Đồng Hướng: Mấy năm trở lại đây, hầu hết các lao động trẻ đã chuyển dịch vào các khu, cụm công nghiệp để làm việc. Lao động nông nghiệp ở nhà chỉ toàn người tuổi cao, phụ nữ, sức khỏe yếu. Do vậy, 4 vụ sản xuất vừa qua HTX đã mạnh dạn đưa mô hình mạ khay cấy máy vào thử nghiệm và được bà con tích cực hưởng ứng. Vụ Mùa này, HTX mở rộng quy mô sản xuất ra 20 ha, nhờ vậy đã khắc phục được những khó khăn trong sản xuất, đảm bảo gieo cấy toàn bộ diện tích trong khung thời vụ tốt nhất.

Tổng hợp nhanh từ Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, đến ngày 19/7, toàn huyện đã gieo cấy được gần 4.900/8.000 ha lúa Mùa (đạt khoảng 60% diện tích). Kim Sơn phấn đấu sẽ hoàn thành toàn bộ việc gieo cấy trước ngày 25/7 theo đúng lịch thời vụ đã đề ra.

Tính đến ngày 19/7, toàn huyện Kim Sơn đã gieo cấy được khoảng 60% diện tích lúa Mùa. Ảnh: Minh Đường

Nhân rộng diện tích lúa hàng hóa, chất lượng cao

Với lợi thế về điều kiện đất đai, huyện Kim Sơn được mệnh danh là vựa lúa của Ninh Bình với năng suất, chất lượng lúa gạo luôn ở vị thế đứng đầu. Do vậy, phát triển những vùng lúa hàng hóa chất lượng cao là định hướng được huyện chỉ đạo đẩy mạnh trong những năm gần đây.

Thống kê đến nay, trong tổng số 16 nghìn ha lúa gieo cấy hàng năm của huyện, diện tích lúa chất lượng cao chiếm khoảng 11 nghìn ha. Chủ yếu là các giống: Nếp Cau, Nếp cái Hoa vàng, Tám, Dự, ST25, Bắc Thơm số 7, LT2,… Có một điều đặc biệt, với các giống lúa đặc sản như Nếp Cau, Tám Xoan... chỉ có thể gieo cấy 1 vụ trong năm đó là vụ Mùa. Do vậy, nhiều HTX có truyền thống gieo cấy các giống này xác định vụ Mùa chính là vụ dành riêng cho sản xuất lúa hàng hóa.

Ông Dương Văn Phái, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Ân Hòa thông tin: Vụ Xuân bà con cấy một phần để phục vụ nhu cầu lương thực trong gia đình, phần dư ra để bán, nhưng riêng vụ Mùa, 80% diện tích nông dân cấy bằng giống Nếp Cau để bán. Vì thế, các khâu sản xuất cần được thực hiện theo quy trình nhằm bảo đảm một vùng, một giống, một thời gian để đảm bảo chất lượng lúa gạo cung ứng ra thị trường.

 Cũng theo ông Phái, hiện giờ máy móc đã hỗ trợ hầu hết các công đoạn gieo cấy nhưng cũng không thể chủ quan, HTX vẫn phải tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hợp lý, thích ứng với giai đoạn sinh trưởng, từng điều kiện thời tiết cụ thể.

Trao đổi với ông Vũ Văn Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn, được biết: Vụ lúa Mùa này, 95% diện tích được huyện bố trí gieo cấy bằng các giống lúa thuần, chất lượng cao; giống lúa lai chỉ cấy khoảng 5% diện tích. Đặc biệt sẽ có 30% diện tích cấy ở trà Mùa muộn, sử dụng các giống lúa đặc sản có thời gian sinh trưởng dài ngày như: Nếp hạt cau, Nếp cái hoa vàng, Tám, Dự... Cùng với đó, huyện tiếp tục thử nghiệm một số giống có tiềm năng, năng suất chất lượng cao như ST24, ST25 nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Kim Sơn cũng đang nhân rộng các mô hình canh tác theo hướng hữu cơ, từ đó nâng cao giá trị sản xuất của ngành hàng lúa gạo và cải thiện thu nhập cho người nông dân. Cụ thể: xã Xuân Chính 15 ha, Hùng Tiến 40 ha, Chất Bình 35 ha, Quang Thiện 40 ha, Thượng Kiệm 25 ha, Kim Chính 28 ha. Hai giống lúa chủ đạo trong các mô hình này là Nếp cau và ST25. Ngoài ra, huyện tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực, trong đó chú trọng việc mời gọi, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, tập trung ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh cơ giới hóa để tổ chức sản xuất hiệu quả.

Với nhiều giải pháp được ngành chức năng và người dân triển khai quyết liệt, tin rằng vụ lúa Mùa năm nay, nông dân huyện Kim Sơn sẽ đạt thắng lợi trên các mặt. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự thắng lợi chung về sản xuất lúa cả năm cho huyện nói riêng và của tỉnh nói chung.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: