Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Làm giàu với nghề trồng, chế biến tinh bột nghệ

Thứ Hai, 11/12/2017

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội nông dân xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp không chỉ được người dân trong xã biết đến là một cán bộ hội nhiệt tình, năng nổ mà còn là một người nông dân dám nghĩ, dám làm, một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn.

Ông Lê Ngọc Trinh tỉ mẩn với sản phẩm tinh bột nghệ. Ảnh: Anh TuấnTrò chuyện với ông Trinh được biết: Sinh ra, lớn lên tại xã miền núi Yên Sơn, thành phố Tam Điệp. Trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Lê Ngọc Trinh luôn suy nghĩ, tìm tòi hướng đi cho người nông dân.

Năm 2009, tìm đến những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã thành công trên thực tế ở Hưng Yên, ông Trinh tận mắt chứng kiến người nông dân nơi đây làm giàu từ cây nghệ bởi nghệ là một vị thuốc quý, có rất nhiều công dụng phòng và trị các loại bệnh trong dân gian. Vậy là ông quyết định lựa chọn cây nghệ để đưa vào sản xuất tại địa phương.

Năm 2014, ông bắt tay vào trồng nghệ đen trên 1 mẫu vườn tạp của gia đình. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, kinh nghiệm chưa có song vụ thu hoạch đầu tiên, vườn nghệ của ông cho rất nhiều củ, củ nhiều bột và chất lượng tốt. Đặc biệt nếu hạch toán kinh tế thì một sào nghệ cho thu nhập gấp 5-6 lần so với trồng lúa, ngô, khoai. Thành công bước đầu càng thôi thúc ông tiếp tục đầu tư phát triển mô hình. 

Sang năm 2015, ngoài diện tích của gia đình, ông còn vận động một số hộ nông dân tham gia vào mô hình trồng nghệ, nâng tổng diện tích trồng nghệ đen lên 3 ha. Trên diện tích 360m2, người nông dân thu hoạch được từ 1-1,5 tấn nghệ, đầu ra được bao tiêu với giá ổn định 9.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 12 - 15 triệu đồng/sào.

Từ thành công của mô hình, năm 2016 đã có hơn 50 hộ gia đình tham gia mô hình nâng tổng diện tích đất trồng lên 21 ha trên địa bàn xã Yên Sơn, Đông Sơn và các xã như: Sơn Hà, Quỳnh Lưu, Phú Long, Phú Lộc của huyện Nho Quan. Những người dân tham gia mô hình trồng cây nghệ của ông Trinh được ông tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn giống, chuyển giao KHKT, kinh nghiệm sản xuất và bao tiêu sản phẩm. 

Năm 2017, ông mở rộng ra địa bàn xã Khánh Trung, Khánh Công huyện Yên Khánh;  Yên Mạc (huyện Yên Mô), trong đó thí điểm trồng nghệ đỏ và nghệ cà rốt đang là sản phẩm được thị trường ưa chuộng, giá thành cao hơn.

Ông Trinh cho biết: “Cây nghệ được trồng từ tháng 2- 3 dương lịch và sau 9 tháng cho thu hoạch. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên suốt trong quá trình sinh trưởng, tuyệt đối không phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. 

Nghệ cho thu hoạch 1 năm 1 lần và sản phẩm có thể bảo quản 5-7 tháng không bị hỏng. Sản phẩm làm ra đến đâu được các thương lái, công ty tìm đến thu mua hết đến đó”.

Không chỉ trồng, cung cấp, bao tiêu sản phẩm củ nghệ tươi, ông Trinh còn đầu tư sắm máy chế biến tinh bột nghệ, vừa say ép, chế biến cho gia đình và làm công cụ hỗ trợ cho khách hàng. Qua chế biến, sản phẩm tinh bột nghệ cho thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với xuất bán củ. 

Hiện nay, ông đang xúc tiến các thủ tục thành lập Tổ hợp tác để thuận tiện hơn cho các thành viên tham gia trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng, chế biến các loại tinh bột nghệ của ông Lê Ngọc Trinh cũng được Hội nông dân thành phố Tam Điệp lựa chọn xây dựng mô hình điểm triển khai thực hiện cuộc vận động “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn” do Hội nông dân tỉnh phát động. 

Theo baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: