Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Nông dân Nho Quan tập trung xuống giống trà lúa Đông Xuân sớm

Thứ Ba, 04/01/2022

Với hơn 1.800 ha lúa vùng thấp trũng, ngoài đê, phải cấy sớm để thu hoạch trước ngày 20/5, tránh lũ tiểu mãn, nên thời điểm này, nhiều nơi ở huyện Nho Quan, nông dân đã xuống đồng vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị phân bón, lấy nước, đẩy nhanh tiến độ xuống giống.

Nông dân xã Lạc Vân (Nho Quan) chăm sóc, bảo vệ mạ vụ Đông Xuân.

Theo dõi thời tiết, thấy nhiệt độ giảm sâu chỉ còn 12- 13 độ C nên bà Nguyễn Thị Hay (thôn Hiền Quan, xã Lạc Vân, huyện Nho Quan) tranh thủ ra đồng kiểm tra, cẩn thận che chắn lại toàn bộ diện tích mạ mới gieo của gia đình. Bà Hay chia sẻ: Vùng đất này cả năm chỉ cấy được một vụ nên bà con chúng tôi dồn hết tâm sức cho sản xuất để làm sao đạt được năng suất tốt nhất.

Ngoài lựa chọn các giống lúa đảm bảo chất lượng, tuân thủ đúng khung lịch thời vụ, mạ cũng được chúng tôi che phủ nilon đúng kỹ thuật, bón thêm tro bếp, lân để tăng sức chống chịu với giá rét. Đồng thời phòng chống rầy trích hút làm lây lan bệnh lùn sọc đen. Với 1,8 mẫu ruộng, gia đình tôi phấn đấu sẽ cấy xong trước ngày 20/1. Một nông dân khác ở thôn Lạc 1, xã Lạc Vân cho biết thêm: Nhìn chung, năm nay nguồn nước dồi dào, thời tiết thuận lợi, mạ đang phát triển tốt. Khó khăn nhất hiện nay là giá phân bón tăng cao, tuy nhiên nông dân chúng tôi vẫn cố gắng đầu tư chăm bón đầy đủ, phấn đấu làm sao năng suất lúa năm nay bằng hoặc hơn năm ngoái là 2,5 tạ/sào.

Lạc Vân là xã vùng lũ của huyện Nho Quan, đa phần diện tích gieo cấy nằm ở ngoài đê, chỉ gieo cấy được một vụ Đông Xuân. Do vậy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để sản xuất ăn chắc, đảm bảo an ninh lương thực cũng như ổn định đời sống của nhân dân. Đồng chí Lưu Thị Hưng, Chủ tịch UBND xã Lạc Vân cho biết: Chúng tôi yêu cầu HTX nông nghiệp xây dựng kế hoạch để tổ chức tốt các khâu dịch vụ phục vụ bà con, đặc biệt việc làm đất phải đảm bảo nhanh, gọn, đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, phối hợp với các thôn, xóm tăng cường bảo vệ nguồn nước và thực hiện điều hành tháo, mở cống, chủ động sửa chữa các tuyến kênh mương và lắp đặt hệ thống máy bơm đảm bảo tốt nhất cho sản xuất, tuyệt đối không để khô hạn cục bộ. Ngoài ra, xã cũng đang phát động chiến dịch diệt chuột đồng loạt trên toàn địa bàn. Lạc Vân phấn đấu sản xuất thắng lợi 385 ha lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 với diện tích 385 ha. Không chỉ có Lạc Vân, hiện nay các xã vùng trũng, ngoài đê như Gia Thủy, Đức Long, Gia Tường, Thượng Hòa..., bà con nông dân cũng đang gấp rút vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị phân bón, lấy nước, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Đông Xuân sớm.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp&PTNT huyện: Vụ Đông xuân 2021-2022, toàn huyện có kế hoạch gieo trồng 11.400 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích lúa là 7.300 ha. Hiện nay, 2.850 ha trà xuân sớm (chiếm 25% diện tích kế hoạch), nông dân đã cơ bản làm đất, gieo mạ xong.

Phòng Nông nghiệp&PTNT đang tăng cường phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở phối hợp với các xã, thị trấn kiểm tra, nắm vững tình hình sản xuất, đôn đốc và hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp chăm sóc, bảo vệ mạ, chuẩn bị các yếu tố cần thiết, tranh thủ thời tiết thuận lợi cấy lúa trong khung thời vụ tốt nhất, đảm bảo xong trước ngày 20/1/2022 và tuyệt đối không gieo thẳng. Ngoài ra, khuyến khích các địa phương mở rộng phương thức dịch vụ trọn gói và cánh đồng lớn cấy một giống lúa, một trà, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, sử dụng vật tư đầu vào hợp lý, hiệu quả, liên kết bao tiêu sản phẩm; giảm thiểu tình trạng bỏ hoang ruộng hoặc gieo cấy chậm, muộn so với khung thời vụ.

Theo Baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: