Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Phát triển kinh tế trang trại một hướng đi trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 11/12/2017

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình kinh tế trang trại, gia trại được hình thành theo hướng sản xuất và chăn nuôi tập trung, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trên thị trường, xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Trang trại trồng dứa ở xã Phú Long (Nho Quan). Ảnh: Nguyễn ThơmKinh tế trang trại- hướng đi bền vững

Với đặc thù là một huyện miền núi, 5 năm trở lại đây, nhiều xã của huyện Nho Quan đang phát triển khá mạnh việc xây dựng các trang trại nhỏ. 

Đồng chí Trịnh Đức Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan cho biết: Sau khi dồn điền, đổi thửa, huyện đã nhanh chóng đưa cơ giới hóa vào sản xuất, ổn định diện tích 15.200 ha cây lương thực có hạt cùng với diện tích cây công nghiệp ngắn ngày như: mía, dứa ở các xã vùng cao, phát triển chăn nuôi đại gia súc và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại ở các xã: Phú Lộc, Lạng Phong, Quỳnh Lưu, Thạch Bình; cải tạo 1.200 ha vùng úng trũng ở các xã: Sơn Lai, Quỳnh Lưu, Văn Phú, Sơn Thành, Thanh Lạc, Thượng Hòa... sang nuôi trồng thủy sản theo mô hình lúa – cá. Mô hình này qua thời gian đã phát huy hiệu quả rõ rệt, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Điển hình như trang trại của ông Nguyễn Văn Kỷ, xã Phú Long. Với 25 ha đất đồi rừng, ông Kỷ đã từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi những cây, con đặc sản, cho giá trị kinh tế cao. Hiện nay trang trại của ông Kỷ trồng 3 ha cây bưởi Diễn, 5 ha cây Thanh Long ruột đỏ, nhiều loại cây ăn quả đặc sản khác như hồng không hạt, ổi.

Từ năm 2011, ông Kỷ bắt đầu đầu tư trồng 2 ha thanh long ruột đỏ với 2.200 trụ cây. Hiện thị trường đang rất ưa chuộng sản phẩm này. Ông Kỷ cho biết: Thanh long ruột đỏ cho lợi nhuận kinh tế cao hơn và khá phù hợp với vùng đất đồi nơi đây, vì vậy ông Kỷ đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ lên 5 ha, tổng số 5.500 trụ và sẽ cho thu hoạch vào năm tới.  Bên cạnh đó, ông Kỷ cũng đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi đàn lợn rừng với 150 con lợn mẹ, hàng nghìn lợn con, mỗi năm đưa ra thị trường 20 tấn lợn hơi.

Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp đã đem lại cho ông Kỷ nguồn thu hàng tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, vào những thời điểm thu hoạch, số lượng lao động lên đến 50 người.

Còn tại huyện Gia Viễn, phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bền vững là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện. Hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Gia Viễn có trên 500.000 con với nhiều mô hình trang trại lớn. Nhiều vùng trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, nay đã có chuyển biến rõ rệt, dần trở thành vùng nuôi con đặc sản.

Một số địa phương xuất hiện nhiều mô hình trang trại là các xã Gia Thịnh, Gia Xuân, Gia Hoà, Gia Vân, Gia Minh, Gia Phương đã mang lại thu nhập đáng kể cho người nông dân, đồng thời giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao đời sống.

Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, UBND huyện Gia Viễn đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân chuyển từ hình thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp; đặc biệt là chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang chăn nuôi tập trung, đầu tư các con nuôi đặc sản có giá trị, dễ tiêu thụ trên thị trường.

Cần lựa chọn mô hình phát triển phù hợp

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay toàn tỉnh có gần 1.000 trang trại, gia trại; trong đó có gần 300 trang trại đạt được tiêu chí theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp &PTNT, còn lại là gia trại. Số trang trại, gia trại phân theo lĩnh vực sản xuất như sau: Chăn nuôi chiếm 54,84%, trồng trọt chiếm 6,1%; thủy sản  chiếm 16,63%; lâm nghiệp chiếm 1,05%; tổng hợp chiếm 21,38%. Các huyện như Nho Quan, Gia Viễn, Kim Sơn, thành phố Tam Điệp... có số trang trại và gia trại phát triển khá nhanh trong những năm gần đây. 

Có thể khẳng định, các mô hình kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó mở ra hướng làm giàu cho người nông dân. Mặc dù vậy, theo Sở Nông nghiệp & PTNT, các mô hình trang trại, gia trại đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình và đóng góp chung vào sự phát triển của địa phương. 

Tuy nhiên, quy mô của các mô hình hiện nay phần lớn còn nhỏ, số trang trại có quy mô tương đối lớn chưa nhiều. Việc liên kết, hợp tác để tổ chức chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các trang trại còn chưa chặt chẽ. Việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn, do nhiều nguyên nhân, trong đó có phần hạn chế của chủ trang trại trong việc lập dự án, phương án vay vốn và chưa tạo được uy tín trong việc quản lý, sử dụng vốn vay. 

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng nêu ra nhiều trở ngại như: Dịch bệnh trên cây, con diễn biến phức tạp, thời tiết khí hậu khó lường, giá cả vật tư, nguyên liệu không ổn định... là những yếu tố gây cản trở không nhỏ đến sự hình thành và phát triển của trang trại và kinh tế trang trại.

Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 450 trang trại và có từ 5-10 trang trại có sản phẩm đăng ký trên sàn giao dịch. Giá trị sản xuất hàng hóa của các trang trại chiếm 25% giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Mỗi trang trại tạo việc làm cho 10-15 người với thu nhập bình quân đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng... Để đạt được mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp Ninh Bình đưa ra các giải pháp như: Lựa chọn mô hình phát triển kinh tế trang trại phù hợp với từng vùng.

Trong đó miền núi là các trang trại lâm nghiệp, trồng rừng kinh tế và cây bản địa lấy gỗ có giá trị cao, chăn nuôi nông, lâm kết hợp; vùng đồng bằng phát triển mô hình trang trại tổng hợp kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, cấy lúa với nuôi trồng thủy sản, đi cùng với đó là hoạt động dịch vụ; vùng ven biển phát triển trang trại chăn nuôi tập trung, trồng rừng ven biển kết hợp với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong việc phát triển trang trại, gia trại hiện nay, trong đó một loạt các giải pháp đồng bộ về đất đai, vốn, thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chất lượng lao động đã được đề ra. 

Bên cạnh đó, tỉnh đã lập quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp; tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch theo chuỗi giá trị, từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến, tiêu thụ. Qua đó đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị trên một diện tích sản xuất, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: