Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi lợn, nguy cơ lây lan dịch bệnh cao

Thứ Sáu, 31/05/2019

Theo Tổ chức Thú y thế giới, việc nuôi lợn bằng thức ăn thừa là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bùng phát dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, tại thành phố Ninh Bình, giữa lúc tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến hết sức phức tạp thì vẫn có rất nhiều người dân sử dụng thức ăn dư thừa, tận dụng từ các nhà hàng để chăn nuôi lợn.

Trên chiếc xe máy cũ với 4 thùng sơn chằng hai bên, 1 rổ nhựa ở trước xe, người đàn ông (giấu tên) ở xã Ninh Nhất hàng ngày đi đến các xóm trọ, các quán ăn quanh vùng để lấy thức ăn thừa về cho lợn ăn. Từ bánh mỳ, cơm nguội, canh, thịt, cá, nước bún thừa, cuộng rau… tất cả đều được đổ lẫn lộn vào các xô. 

Ông cho biết: Với cách làm này, gia đình tiết kiệm được khá nhiều chi phí thức ăn, hơn nữa, lợn nuôi bằng thức ăn thừa dễ bán và được giá hơn vì đặc điểm thịt thơm ngon, các bà nội trợ rất ưa chuộng. Khi chúng tôi nói cho ăn như vậy rất dễ lây lan dịch bệnh thì ông khẳng định: “Thức ăn thừa mang về tôi đều nấu chín trước khi cho lợn ăn, vi khuẩn chết hết, làm sao truyền bệnh được”.

Tương tự như vậy, gia đình ông Đào Sỹ Ba và gia đình bà Lê Thị Phượng, thôn Hậu, xã Ninh Nhất cũng chuyên lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn về để nuôi lợn. Tuy nhiên được biết, mới đây, đàn lợn của 2 gia đình này đang khỏe mạnh bỗng có con lăn ra ốm chết đột ngột, có nhiều triệu chứng của bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Ông Ba và bà Phượng đã kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và thú y cơ sở đến lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời có biện pháp khoanh vùng phòng dịch. Ngay sau khi xét nghiệm xác định mẫu bệnh dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì toàn bộ đàn lợn 54 con của 2 gia đình này đã phải tiêu hủy.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Ninh Bình cho biết: Thành phố hiện có hơn 500 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 5.900 con. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 5-10 con, chỉ có một vài hộ có đàn lợn trên dưới 100 con tập trung ở các xã Ninh Nhất, Ninh Phúc, Ninh Tiến. 

Với đặc điểm chăn nuôi nhỏ lẻ cộng thêm với việc trên địa bàn có rất nhiều các nhà hàng, khách sạn, quán ăn… nên hình thức sử dụng thức ăn dư thừa để cho lợn ăn là khá phổ biến, chiếm gần 80% tổng số hộ nuôi. Mặc dù phương thức này có nguy cơ lây lan dịch rất cao nhưng đa số người chăn nuôi vẫn có tâm lý chủ quan. Họ nghĩ cứ mang về nấu chín là được mà không lường trước được rằng thức ăn chỉ cần mang về nhà là những vật chủ trung gian như ruồi, muỗi, gián và chuột đã kịp đưa mầm bệnh vào chuồng nuôi lợn.

Tính đến ngày 16/5, toàn thành phố Ninh Bình đã có 6 phường, xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi bao gồm: Tân Thành, Ninh Sơn, Nam Bình, Ninh Khánh, Thanh Bình và Ninh Nhất; có 19 hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh với tổng số lợn bị tiêu hủy hơn 200 con. 

Thực tế theo dõi, thống kê, điều tra dịch tễ đối với các ổ dịch thì có gần 50% là do nguyên nhân dùng thức ăn thừa cho lợn ăn. Điều này cho thấy, việc tận dụng nguồn thức ăn thừa lâu nay của người chăn nuôi tưởng chừng vô hại, nhưng lại vô tình rước bệnh vào đàn lợn.

Các chuyên gia dịch tễ đã khuyến cáo, virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể sống rất lâu trong thức ăn dư thừa đã qua chế biến (có thể tồn tại trên 1 năm trong thịt lợn muối). Vì vậy, việc sử dụng nguồn thức ăn dư thừa của con người cho lợn cần được cân nhắc và tốt nhất là nên loại bỏ. 

Thực tế tại các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc đã cấm hoàn toàn hình thức sử dụng thức ăn thừa để chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tại Việt Nam, trước tình hình diễn biến phức tạp và có nguy cơ lây lan ra diện rộng của dịch tả lợn châu Phi, Cục Thú y cũng đã đưa ra nguyên tắc 5 “không” đối với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn, gồm: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt. 

Thiết nghĩ thành phố Ninh Bình cũng cần có những giải pháp mạnh tay để kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố cam kết thực hiện quản lý chặt thức ăn dư thừa. Yêu cầu các cơ sở này phải đựng thức ăn dư thừa trong các dụng cụ chứa đựng có nắp đậy kín và bàn giao cho công ty môi trường xử lý theo quy định. Các dụng cụ chứa đựng hàng ngày được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ.

Đối với người chăn nuôi trong trường hợp bất đắc dĩ vẫn sử dụng loại thức ăn này để chăn nuôi lợn thì phải thực hiện các biện pháp an toàn sinh học như: Thùng lấy thức ăn phải kín, đảm bảo không rơi rớt trên đường. Sau khi lấy về phải tiêu độc, khử trùng cả xe và thùng thức ăn. Phải xử lý thức ăn thừa bằng nhiệt trước khi cho lợn ăn. Cần nấu chín ở 100 độ C, sôi từ 20 - 30 phút để đảm bảo diệt virus, diệt hoàn toàn mầm bệnh trước khi cho lợn ăn. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nên định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng và diệt chuột nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Theo baoninhbinh.org.vn

 

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: