Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Tăng cường bảo vệ lúa mùa

Thứ Tư, 25/08/2021

Hơn 31.800 ha lúa mùa của Ninh Bình nhìn chung đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, qua điều tra đồng ruộng cho thấy một số đối tượng sâu bệnh hại như: khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân hai chấm… đã phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Ngành chuyên môn khuyến cáo các địa phương, bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng.

Tăng cường bảo vệ lúa mùa

Nông dân xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn phun trừ sâu bệnh trên lúa mùa.

Cánh đồng lúa của HTX Bắc Lộc, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn nhìn qua không có biểu hiện gì của sâu bệnh vì cây lúa rất xanh tốt và khá đồng đều. Tuy nhiên, qua phối hợp điều tra của các cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh,  HTX thì hầu hết diện tích này đều đã bị nhiễm sâu cuốn lá, khô vằn và rầy. Ông Trương Văn Bình, Giám đốc HTX Bắc Lộc thông tin: Trong 157 ha lúa mùa của HTX có tới 90% được cấy bằng các giống lúa chất lượng cao, chủ đạo là Bắc thơm số 7, LT2, đây đều là các giống khá mẫn cảm với sâu bệnh hại. Trong khi đó, bà con nông dân thường có tập quán sử dụng nhiều đạm để chăm bón, cộng thêm yếu tố thời tiết mưa nắng đan xen như hiện nay đã khiến nhiều diện tích lúa của HTX bị nhiễm sâu bệnh, chủ yếu là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn và rầy. Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền, đôn đốc bà con thực hiện các biện pháp phun trừ đúng thuốc, đúng thời điểm, đảm bảo hiệu quả, không bỏ sót nhưng cũng không phun tràn lan, tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Cùng các hộ gia đình khác trong thôn, những ngày này gia đình bà Ninh Thị Bính, xóm 13, xã Yên Lộc thường xuyên đi kiểm tra, thăm nom đồng ruộng, sau khi phát hiện có sâu bệnh gây hại, bà đã báo với HTX để được hướng dẫn lấy thuốc về phun phòng trừ. Bà Bính cho biết: Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 6 sào Bắc Thơm, đến nay thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, vừa qua, do bón nhầm 2 lần đạm nên bệnh khô vằn đã xuất hiện, lây lan mạnh trong ruộng của gia đình. Gia đình bà đã phun trừ 1 lượt, đang đợi sau một tuần nữa phun kép lần thứ 2 kết hợp với phòng trừ rầy, sâu cuốn lá nhỏ theo khuyến cáo của HTX.

Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, vụ mùa năm 2021, toàn tỉnh đã gieo cấy được 31.830 ha. Nhìn chung, trên phạm vi toàn tỉnh lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, qua kết quả điều tra tình hình dịch hại trên đồng ruộng cho thấy một số đối tượng đang phát sinh và có khả năng gây hại rộng trên các trà lúa. Cụ thể: mật độ sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang gia tăng ở các huyện phía Nam của tỉnh như Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn; ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư cần lưu ý đối tượng sâu đục thân nhỏ hai chấm. Ngoài ra, chuột hại, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn cũng đang gia tăng trên các trà lúa; bệnh lùn sọc đen, lúa cỏ gây hại cục bộ.

Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng phòng BVTV, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: Dự báo trong thời gian tới, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 sẽ tiếp tục ra rộ đến ngày 17/8, sâu non sẽ nở rộ từ ngày 14/8-23/8, gây hại rộng trên các trà lúa, nếu không được phát hiện và phun trừ kịp thời sẽ có nguy cơ bị giảm năng suất, nhất là với các trà lúa mùa trung đang ở giai đoạn phân hóa đòng đến ôm đòng, do lá đòng bị sâu làm sơ trắng. Riêng rầy cám lứa 6 nở rộ từ ngày 17/8-27/8, nơi cao 1.000-2.000 con/m2; ổ trên 3000 con/m2; trưởng thành lứa 5 sâu đục thân 2 chấm ra rộ từ ngày 18/8-8/9, sâu non nở rộ từ ngày 25/8-15/9, nguy cơ làm đỏ lúa hoặc gây cháy ổ từ sau ngày 30/8 trở đi đối với trà lúa mùa sớm đang ở giai đoạn chắc xanh. Trong thời gian tới, trưởng thành lứa 5 sâu đục thân 2 chấm sẽ ra rộ từ ngày 18/8-8/9, sâu non sẽ nở rộ từ ngày 25/8-15/9 gây hại trên các trà lúa, đặc biệt hại nặng trên trà lúa trỗ sau ngày 25/8 ở huyện: Yên Mô, Nho Quan, Hoa lư, Gia Viễn và trà trỗ sau ngày 10/9 ở thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp, huyện Yên Khánh, Kim Sơn. Tỷ lệ hại phổ biến 1-2%, nơi cao 5-10 %; cá biệt 15-30% số dảnh, bông. 

Để hạn chế thiệt hại do sinh vật gây hại trên lúa mùa, Chi cục Trồng trọt  và BVTV tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân điều tiết nước hợp lý, bón thúc kali cho trà lúa đang ở giai đoạn phân hóa đòng, tạo điều kiện cho cây lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu với các đối tượng dịch hại, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân rõ các trà lúa, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, diễn biến các đối tượng dịch hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời khi tới ngưỡng. Các HTX dịch vụ nông nghiệp, tổ hợp tác có phương án huy động máy móc, nhân lực, đứng ra mua thuốc BVTV hoặc thành lập tổ dịch vụ BVTV hỗ trợ nông dân mua và phun thuốc đảm bảo được nguyên tắc 4 đúng: đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng thời điểm, đúng cách. Bên cạnh đó, hướng dẫn nông dân ghi chép số lượng, chủng loại các vật tư nông nghiệp, địa chỉ cung ứng; giữ lại bao bì, tem nhãn, hóa đơn mua vật tư, hóa chất làm cơ sở giải quyết khi cần khiếu nại về chất lượng vật tư nông nghiệp và giúp truy xét nguồn gốc sản phẩm.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: