Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Tập trung tiêm phòng vụ thu đông cho đàn gia súc, gia cầm

Thứ Năm, 22/11/2018

Để hạn chế dịch bệnh, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang phối hợp với các địa phương triển khai quyết liệt công tác tiêm phòng vắc-xin vụ thu đông 2018 cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, từ tháng 10 đến hết tháng 11/2018 sẽ tiêm phòng cho toàn bộ gia súc, gia cầm chăn nuôi tại các hộ gia đình, trang trại, cơ sở chăn nuôi.

Sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nên gia đình anh Nguyễn Văn Phi, tổ 8, phường Tân Bình, thành phố Tam Điệp luôn nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của công tác tiêm phòng đối với sự an toàn của đàn vật nuôi cũng như kinh tế của gia đình mình. 

Chính vì thế, mỗi khi xã có kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm là anh luôn chấp hành và thực hiện nghiêm túc. Anh Phi cho biết: Gia đình tôi nuôi vịt 20 năm nay rồi, cũng đã trải qua dịch bệnh, có khi mất trắng và kinh nghiệm rút ra là luôn phải tiêm phòng đầy đủ, thực hiện vệ sinh khử trùng tiêu độc định kỳ, có như vậy mới hạn chế được dịch bệnh. Hiện nay, trung bình 2 tháng tôi lại vào 1 lứa vịt khoảng 1.500 - 2.000 con, mỗi lứa trừ chi phí thu lãi 10 - 20 triệu đồng.

Chị Lê Thị Hoài, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố Tam Điệp cho biết: Số lượng gia súc, gia cầm của thành phố thuộc diện tiêm phòng vụ thu đông này khoảng 126,4 nghìn con. Trong đó đàn lợn là 9 nghìn con, trâu bò gần 3 nghìn con, vịt 114,5 nghìn con. Để công tác tiêm phòng bệnh cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả, Trạm đã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tính chất, mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh cho người dân. Hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn, trong đó nhấn mạnh đến công tác tiêm phòng. 

Bên cạnh đó, kiến nghị với lãnh đạo thành phố yêu cầu các cấp chính quyền địa phương chỉ đạo kiên quyết trong công tác tiêm phòng, đề cao trách nhiệm đối với lãnh đạo địa phương nếu tỷ lệ tiêm phòng không đạt yêu cầu hay để xảy ra dịch. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin lở mồm, long móng trên đàn trâu bò đạt 24%, tiêm phòng dịch tả lợn đạt 12%, tiêm phòng cúm gia cầm đạt gần 34%.

Đợt tiêm phòng tập trung vụ thu đông năm 2018 được triển khai đồng loạt tại các địa phương trong toàn tỉnh từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11. Trong đó, UBND tỉnh cấp kinh phí mua vắc xin dịch tả để tiêm phòng cho các hộ chăn nuôi lợn từ 50 con trở xuống, kinh phí mua vắc-xin phó thương hàn, tụ dấu lợn, lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò cho hộ chăn nuôi là hộ nghèo; kinh phí mua vắc xin cúm gia cầm để tiêm cho đàn thủy cầm. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ tiền mua vật tư, bảo hộ và đánh giá kháng thể sau tiêm phòng, người chăn nuôi chỉ chi trả công tiêm phòng.

Ông Hà Quốc Thịnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để đợt tiêm phòng đảm bảo nhanh gọn, đúng thời gian, đồng loạt, phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin, trước khi triển khai tiêm phòng, Chi cục đã yêu cầu các trạm thú y tập trung kiểm tra, rà soát, thống kê lại tổng đàn gia súc, gia cầm ở các hộ, trang trại, gia trại trong diện phải tiêm phòng để lên kế hoạch mua vắc-xin. 

Ngoài ra, vận động người chăn nuôi chủ động mua những loại vắc-xin không được tỉnh hỗ trợ để tiêm phòng thêm cho gia súc, gia cầm của gia đình. 

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn kỹ thuật cho lực lượng tham gia tiêm phòng về quy trình sử dụng vắc-xin, bao gồm các khâu bảo quản, pha chế, liều lượng, kỹ thuật tiêm… Tiến hành tiêm điểm để rút kinh nghiệm trước khi tiêm đại trà. 

Sau gần 1 tháng triển khai, tính đến ngày 9/11, toàn tỉnh đã tiêm được trên 2.320 nghìn liều vắc-xin cúm gia cầm (đạt 77% kế hoạch), 15.785 liều vắc-xin lở mồm, long móng cho đàn trâu bò (đạt 53% kế hoạch), 66.842 liều vắc xin dịch tả lợn (đạt 67%), 8.520 liều vắc-xin phó thương hàn và tụ dấu lợn, 510 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò.

Tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là một trong những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hữu hiệu nhất. Vì vậy, để bảo vệ đàn vật nuôi, bảo vệ thành quả sản xuất cho người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng theo đúng kế hoạch, đạt chất lượng, yêu cầu. 

Mặt khác, thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người chăn nuôi về công tác phòng ngừa dịch bệnh. Coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm vào địa bàn. Đặc biệt khi người chăn nuôi bổ sung đàn, phải tiến hành tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, kịp thời.

Theo baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: