Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Thúc đẩy sản xuất vụ đông để đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm thời điểm cuối năm

Thứ Năm, 07/10/2021

Diện tích sản xuất vụ đông của Ninh Bình những năm gần đây không tăng nhưng giá trị sản xuất của vụ này vẫn tiếp tục được nâng lên. Điều này chứng tỏ đây vẫn là vụ sản xuất mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Vụ đông năm 2021 này, trong bối cảnh dịch COVID-19, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất để đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm cho toàn xã hội; đồng thời tạo việc làm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thúc đẩy sản xuất vụ đông để đáp ứng tốt nhu cầu lương thực, thực phẩm thời điểm cuối năm

Nông dân xã Yên Quang (Nho Quan) trồng, chăm sóc cây vụ đông.

Vụ đông là một vụ sản xuất đặc thù và lợi thế của các tỉnh phía Bắc. Trong 3, 4 tháng mùa đông lạnh, với chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ cho phép chúng ta thực hiện đa dạng về chủng loại đối với cây trồng. ở vụ sản xuất này, bà con nông dân có thể gieo trồng cả nhóm rau màu ưa ấm, nhóm ưa lạnh và nhóm trung tính. 

Đặc biệt, cây vụ đông có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, nhiều loại có thể đưa vào chế biến phục vụ xuất khẩu như: dưa bao tử, ngô ngọt, đậu tương rau, cải bó xôi… Không ít vùng, nông dân có truyền thống và trình độ thâm canh cao, chỉ cần làm một vụ đông đã có khoản thu nhập bằng 3-5 lần cả năm làm lúa. Chính vì vậy, nhiều năm nay, vụ đông ở tỉnh ta đã được coi là vụ sản xuất chính và giá trị vụ đông không ngừng gia tăng qua các năm. 

Ngay như năm 2020, mặc dù chịu tác động của dịch bệnh COVID-19, cũng như những diễn biến thất thường của thời tiết, đặc biệt là mưa lớn ở đầu vụ nhưng toàn tỉnh vẫn trồng được 8.700 ha cây trồng các loại. Trong đó, diện tích nhóm cây ưa ấm khoảng 3.100 ha (chiếm 36%), nhóm cây ưa lạnh là trên 5.000 ha, chiếm (chiếm 58%), còn lại là cây dược liệu và cây trồng khác. Tổng giá trị sản xuất vụ đông năm 2020 ước đạt trên 1.044,8 tỷ đồng, tăng hơn 154 tỷ đồng so với vụ đông năm 2019. Giá trị sản xuất bình quân ước đạt 120 triệu đồng/ha, tăng 20,5 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2019. Các cây trồng có giá trị thu nhập trên ha canh tác cao như: ớt cay 298 triệu đồng, khoai tây 168 triệu đồng, bí xanh 155,2 triệu đồng; khoai sọ 133 triệu đồng, cây dược liệu 189,7 triệu đồng…

Thực tế sản xuất đã khẳng định vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc duy trì, phát triển, mở rộng diện tích cây trồng vụ đông cũng gặp không ít những khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Thời tiết đầu vụ đông thường diễn biến phức tạp, khó lường nên đã ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cũng như sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và hiệu quả của các cây trồng vụ đông. 

Nhiều vụ gặp thời tiết bất thuận, bà con phải trồng đi, trồng lại nhiều lần, thậm chí có vụ gần đến lúc thu hoạch thì gặp mưa lớn thế là mất trắng. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người nông dân. Ngoài ra, thiếu lao động, thị trường tiêu thụ không ổn định, tỷ lệ sản phẩm vụ đông tiêu thụ qua hợp đồng liên kết chưa cao, sản phẩm qua sơ chế biến còn ít, tình trạng "được mùa, mất giá" cũng là những nguyên nhân khiến nông dân không mặn mà với sản xuất vụ đông. 

Trước những vấn đề nêu trên, ngành Nông nghiệp xác định phát triển vụ đông 2021 theo hướng thực chất, hiệu quả với quy mô hợp lý, không chú trọng mở rộng diện tích mà gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng kinh tế sinh thái nông nghiệp. 

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái. Bố trí hợp lý cơ cấu cây trồng giữa nhóm cây ưa ấm và nhóm cây ưa lạnh; nhóm cây phục vụ chế biến và nhóm cây thực phẩm, rau, củ, quả; bố trí thời vụ hợp lý để đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 8.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, chủ đạo là ngô, khoai tây, khoai lang, bí xanh, bí đỏ và rau đậu các loại. Ngành Nông nghiệp đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản, kế hoạch và các giải pháp cụ thể để thực hiện. 

Trước hết, tập trung chỉ đạo thu hoạch nhanh gọn lúa và cây màu vụ mùa, giải phóng đất sớm để triển khai sản xuất vụ đông kịp thời vụ. Đẩy mạnh công tác làm thủy lợi nội đồng trong vùng sản xuất vụ đông. Tổ chức kiểm tra, tu bổ, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo tiêu thoát nước tốt, nhằm khắc phục tình trạng cây vụ đông bị ngập úng khi gặp mưa lớn xảy ra. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân cho mượn đất, thuê đất để liên kết, đầu tư sản xuất thành vùng tập trung, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. 

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Về thời vụ, kỹ thuật: với nhóm cây trồng ưa ấm như ngô, lạc, bí xanh, ớt, cà chua, dưa chuột... yêu cầu thời vụ gieo trồng xong trước ngày 30/9. Các giống ngô rau, ngô ngọt có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cần căn cứ vào thời điểm thu mua và thời gian sinh trưởng của từng giống để bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp. Cây khoai lang, thời vụ trồng kết thúc trước ngày 10/10. Cây bí xanh, bí ngô, dưa chuột, ớt, cà chua áp dụng các biện pháp kỹ thuật như làm bầu, trồng gối trên ruộng lúa trước khi thu hoạch lúa, sử dụng giàn bằng lưới… 

Nhóm các cây trồng ưa lạnh: Thời vụ gieo trồng tập trung từ ngày 10/10 đến 20/11, riêng cây khoai tây tập trung trồng từ ngày 15/10-15/11/2021. Rau đậu các loại, tận dụng điều kiện đất đai, nhân lực để mở rộng diện tích; bố trí gieo trồng rải vụ, đa dạng về chủng loại để đảm bảo nguồn cung cho thị trường, tránh hiện tượng khủng hoảng thừa lúc chính vụ, giá thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. 

Bà con cần lựa chọn, sử dụng các giống cây trồng mới có chất lượng tốt thay thế dần những giống cây trồng cũ nhằm nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, quan tâm đẩy mạnh sử dụng các loại phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hữu cơ, sinh học... 

Phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong sản xuất, rút ra bài học kinh nghiệm và cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, sự cần cù sáng tạo của bà con nông dân, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2021.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: