Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Vốn vay ưu đãi tiếp sức cho thanh niên lập nghiệp

Thứ Hai, 11/12/2017

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, những năm qua, Đoàn thanh niên xã Lưu Phương, huyện Kim Sơn đã tích cực phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện hỗ trợ thanh niên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn tín chấp của tổ chức Đoàn, nhiều bạn trẻ đã tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp thành công, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, đóng góp vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.

Chị Bùi Thị Hướng, xóm 10, Lưu Phương (Kim Sơn) chăm sóc ao cá của gia đình.Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi và làm dịch vụ máy nông nghiệp của gia đình chị Bùi Thị Hướng, xóm 10, Lưu Phương. Ngay đầu cổng là khu để máy xát gạo, phía trong là vườn cây, ao cá, rồi đến nhà ở và một gian bếp rất rộng rãi, mọi thứ trông rất ngăn nắp và sạch sẽ. Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Hướng nhớ lại, thời điểm anh chị mới lấy nhau, vốn liếng hạn hẹp lắm. 

Nung nấu làm giàu nên hai vợ chồng bàn nhau dùng số tiền cha mẹ cho và vay mượn thêm để đầu tư mua 1 cái máy xát gạo. “Tôi tính làm dịch vụ xay xát này vừa có đồng ra đồng vào, lại vừa có phụ phẩm là cám để phát triển chăn nuôi. Ngoài ra, có nghề truyền thống trong tay, tôi còn nấu rượu, mỗi tháng cung cấp ra thị trường từ 500-1.000 lít rượu, bã hèm lại là thức ăn lý tưởng cho lợn”, chị Hướng nói.

Sản xuất ổn định và phát triển, có lưng vốn lại được sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên xã tín chấp cho vay thêm vốn từ Ngân hàng CSXH huyện Kim Sơn, vừa qua, gia đình chị tiếp tục đầu tư mua được 1 cái máy cày. Từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình chị Hướng sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỷ đồng, mỗi năm từ chăn nuôi và làm máy dịch vụ, trung bình thu lãi từ 250-300 triệu đồng.

Giống như chị Hướng, thời gian qua hàng chục hộ thanh niên nghèo, cận nghèo ở xã Lưu Phương đã được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng hóa gia công. 

Đặc biệt, nhiều hộ thanh niên từ làm ăn nhỏ lẻ phát triển trở thành các chủ trang trại, gia trại, chủ xưởng sản xuất quy mô lớn, sản xuất hàng hóa tập trung, đem lại lợi nhuận cao, giải quyết việc làm cho lao động địa phương với thu nhập ổn định. 

Đồng chí Hoàng Tiến Trình, Bí thư Đoàn xã Lưu Phương cho biết: Thực hiện phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp”, Đoàn xã đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên như kỹ thuật nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch và kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng; tổ chức cho hàng chục lượt đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình kinh tế giỏi trong huyện để học tập kinh nghiệm. 

Ngoài ra, Đoàn thanh niên xã còn làm tốt công tác ủy thác quản lý vốn cho vay từ Ngân hàng CSXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn viên, thanh niên có vốn đầu tư làm ăn. 

Tính đến nay, tổng dư nợ ủy thác vốn vay thông qua Đoàn xã quản lý là hơn 1 tỷ đồng với  trên 70 hộ vay. Nguồn vốn cho vay đã giúp cho nhiều đoàn viên, thanh niên nghèo trong xã có điều kiện phát triển kinh tế. Tiêu biểu như mô hình đầu tư chăn nuôi và các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng năm thu lãi trên 200 triệu đồng của gia đình chị Bùi Thị Hướng, Bí thư chi đoàn xóm 10; mô hình VAC đầu tư nuôi trâu, bò thu nhập bình quân 4-4,5 triệu đồng/tháng của anh Vũ Văn Dương, Bí thư chi đoàn xóm 2…

Thời gian tới Đoàn thanh niên xã sẽ phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; chú trọng phối hợp với cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH cùng các Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt…, giúp các đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo. 

Tuy nhiên, cũng theo đồng chí Hoàng Tiến Trình thì thực tế hiện nay số lượng thanh niên có nhu cầu vay vốn là không nhỏ, nhưng  nguồn vốn vay mà Đoàn thanh niên quản lý chỉ đáp ứng được khoảng 20-30%. Điều này phần nào khiến dự định bám quê làm ăn, ổn định cuộc sống trở nên khó thực hiện với một số thanh niên nông thôn. 

Vì vậy, mong các cơ quan, đơn vị liên quan tin tưởng vào năng lực của tuổi trẻ, tăng thêm nguồn vốn, tạo cơ hội cho thanh niên có cơ hội tiếp cận vốn ưu đãi để họ tận dụng thế mạnh của địa phương phát triển kinh tế.

Theo baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: