Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương

Thứ Ba, 05/01/2021

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng, hình thành và phát triển thương hiệu sản phẩm là rất cần thiết, bởi thương hiệu không những khẳng định vai trò của nhà sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng có được sự lựa chọn thông minh nhất.

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương

Người dân thôn Thường Sung, xã Kỳ Phú (Nho Quan) đang phơi những mẻ thóc sau thu hoạch. Ảnh: Anh Tuấn

Với tầm quan trọng đó, Ninh Bình đang đẩy mạnh định hướng xây dựng, đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh.

Ninh Bình hiện có 75 làng nghề với các sản phẩm độc đáo, đa dạng. Tỉnh còn có một số sản phẩm đặc sản đã có thương hiệu riêng, được người tiêu dùng ưa thích lựa chọn như: thịt dê, cơm cháy, mắm tép, nem Yên Mạc, rượu Kim Sơn... Các sản phẩm này chủ yếu sản xuất từ nguồn nguyên liệu của địa phương, mang đậm yếu tố truyền thống. 

Cùng với đó, Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế như: dứa, lạc tiên, rau quả tươi, hoa và cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản.... 

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị của các sản phẩm đặc sản, đặc trưng địa phương, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu và đạt được những kết quả quan trọng. 

Nhờ phát triển nhãn hiệu, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của các địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển, thương hiệu ngày càng nâng cao trước sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường. 

Nhắc đến đặc sản của huyện Yên Mô, phải kể đến sản phẩm nem chua Yên Mạc. Sau nhiều nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ, người dân, năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc" cho chủ sở hữu là UBND huyện Yên Mô. 

Đây là động lực to lớn để người dân xã Yên Mạc tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản nem chua, tạo thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 

Hiện nay, ở Yên Mạc đã có hơn 50 gia đình làm nem, trong đó có 16 gia đình sản xuất thường xuyên với sản lượng lớn. Do sản xuất mặt hàng tươi sống nên khâu an toàn vệ sinh và chất lượng sản phẩm được các hộ, cơ sở sản xuất quan tâm. Một số cơ sở sản xuất với quy mô lớn đã đăng ký thương hiệu và tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ cũng có cam kết sản xuất an toàn. 

Ông Phạm Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc cho biết: Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nem chua Yên Mạc được kỳ vọng sẽ tạo sự đột phá trong phát triển sản phẩm, giúp người dân có ý thức hơn về việc nâng cao chất lượng và gìn giữ đặc sản đặc trưng của địa phương. 

Từ khi được công nhận nhãn hiệu chứng nhận "Nem chua Yên Mạc", sản phẩm nem chua bán ra thị trường được khách hàng đánh giá cao, sản lượng cũng tăng so với trước kia. Hiện nay, cùng với việc vận động nhân dân phát triển nghề làm nem, xã còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn để các hộ làm nghề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ thương hiệu cho nem chua Yên Mạc. 

Cùng với đó, địa phương đã xây dựng Đề án quy hoạch, phát triển làng nghề nem chua Yên Mạc nhằm xây dựng chuỗi liên kết trong cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, qua đó duy trì, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Nem chua Yên Mạc là một trong 4 sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận năm 2020. Ngoài nem chua Yên Mạc còn có "Nếp hạt cau Ninh Bình", "Đào phai Tam Điệp" và "Chè Trại Quang Sỏi".

Theo ông Hoàng Trọng Lễ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, khi nhãn hiệu được đăng ký và bảo hộ sẽ đảm bảo cho người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của sản phẩm. 

Đối với người sản xuất thông qua việc xây dựng thương hiệu được hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng; sử dụng logo sản phẩm có truy xuất nguồn gốc rõ ràng; được cập nhật các thông tin cần thiết về thị trường, được tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu quảng bá sản phẩm; được bảo hộ, chống lại sự tranh chấp về thương mại, tránh tình trạng hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng... 

Đặc biệt là nâng cao danh tiếng, uy tín sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các địa phương và các đơn vị có liên quan tiếp tục rà soát, chọn lựa các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh để xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. 

Qua đó tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm phát triển nghề, nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm. 

Đối với những sản phẩm đã được bảo hộ, chứng nhận, tiếp tục tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát triển nhãn hiệu chứng nhận; tập trung khai thác, quản lý, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận; hình thành các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa đặc sản của tỉnh có khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước. 

Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: