Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Khánh chú trọng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, bảo vệ đàn vật nuôi

Thứ Sáu, 13/04/2018

Cùng với đẩy mạnh công tác tiêm phòng, để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trong giai đoạn chuyển mùa, huyện Yên Khánh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm.

Phun phòng bệnh cho gia cầm tại xã Khánh Thành (Yên Khánh. Ảnh: Đức LamTheo thống kê của huyện Yên Khánh, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn là trên 6 nghìn con, lợn 35 nghìn con, gia cầm trên 235 nghìn con. Tại địa bàn huyện Yên Khánh có khá nhiều gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, trong trường hợp có dịch bệnh xảy ra, mức độ lây lan cực nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, UBND huyện Yên Khánh đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, phân bổ và cấp phát hóa chất để thực hiện tiêu độc khử trùng đợt 1 năm 2018. Ông Nguyễn Đức Toàn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Khánh cho biết: Thực hiện theo quyết định số 217 của UBND huyện, Trạm đã nghiên cứu, phân bổ 900 lít hóa chất RTD-Iodine cho 19 xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời cắt cử cán bộ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc sử dụng hóa chất tại các đơn vị được cấp phát, đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

Song song với đó, Trạm cũng phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn, chỉ đạo và đôn đốc nhân viên thú y cấp xã triển khai thực hiện tiêm phòng vụ xuân hè 2018. Trong đó sử dụng vắc xin để phòng, chống các dịch bệnh chính như lở mồm, long móng, tụ huyết trùng trên trâu bò, dịch tả, phó thương hàn cho đàn lợn và vắc xin cúm gia cầm. Theo đó, huyện Yên Khánh đã tiếp nhận trên 10 nghìn liều vắc xin dịch tả lợn, gần 600 nghìn liều vắc xin cúm gia cầm. Công tác tiêm phòng vắc xin đã được các địa phương triển khai thực hiện. Tính đến đầu tháng 4/2018, tỷ lệ gia cầm được tiêm phòng đạt gần 62%.

Tìm hiểu tại xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), được biết, công tác tiêu độc khử trùng đã được địa phương thực hiện trong tháng 3, hiện đang tiếp tục triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm. Ông Bùi Văn Cát, cán bộ thú y xã Khánh Thủy cho biết: Xã Khánh Thủy được tiếp nhận 48 lít hóa chất RTD-Iodine, là loại hóa chất đặc dụng để tiêu diệt mầm bệnh, tiêu độc, khử trùng. Ngay khi tiếp nhận, xã đã phân bổ đủ liều lượng cho các xóm, bàn giao trực tiếp cho các xóm trưởng. Các xóm sẽ tiến hành thuê nhân công phun hóa chất, ngoài diện tích chuồng trại của các hộ chăn nuôi, còn tập trung phun khử trùng tại nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, các địa điểm công cộng, chợ, đường làng, ngõ xóm...

Anh Phạm Văn Nhật, xã Khánh Tiên (huyện Yên Khánh) cho biết: Gia đình tôi có một trang trại nuôi các loại gia cầm. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh thì ngoài việc tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại, tôi còn chú trọng việc phun tiêu độc khử trùng và rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi. Từ khi chăn nuôi đến nay, nhà tôi chưa xảy ra dịch bệnh gì nguy hiểm. Tôi nhận thấy, phun tiêu độc khử trùng là một biện pháp phòng bệnh rất hiệu quả.

Ông Nguyễn Đức Toàn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Khánh cho biết thêm, hiện nay, việc chăn nuôi trong dân với quy mô nhỏ lẻ vẫn còn, trong khi việc xây dựng chuồng trại đúng tiêu chuẩn, nhất là việc xử lý chất thải đúng cách còn nhiều hạn chế, do đó chúng tôi cũng rất quan tâm tới việc hướng dẫn các hộ phun khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh lưu trữ, phát tán trong môi trường, hạn chế dịch bệnh xảy ra và cắt đứt được vòng lây truyền mầm bệnh xâm nhập vào vật nuôi cũng như con người. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi cũng cần lưu ý việc tiêm phòng vắc xin đúng liều lượng, đúng thời điểm.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: