Thứ Sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Yên Mô: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm

Thứ Hai, 11/12/2017

Thời gian qua tình hình dịch cúm gia cầm diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước. Trên địa bàn tỉnh ta tại xã Yên Đồng (Yên Mô) đã phát hiện gia cầm ốm, chết có biểu hiện điển hình của cúm gia cầm. Trước tình hình trên, huyện Yên Mô phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh chỉ đạo địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, khống chế và ngăn chặn ổ dịch phát sinh. Đến nay biểu hiện dịch cúm gia cầm đã được kiểm soát và trên địa bàn huyện không xuất hiện thêm gia cầm ốm, gia cầm chết.

Ông Nguyễn Ngọc Thuyết, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Yên Mô cho biết: Trung tuần tháng 2, tại thôn Khê Trung, xã Yên Đồng xảy ra hiện tượng gà, bỏ ăn, ỉa phân xanh, có các triệu chứng thần kinh và chết rải rác. Với biểu hiện của dịch cúm gia cầm đang diễn ra, Yên Mô xác định việc cần làm ngay là ngăn ngừa xâm nhiễm, triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm với phương châm tích cực, chủ động. 

Tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp của xã Yên Đồng, vùng giáp ranh của 4 xã (Yên Thái, Yên Thành, Yên Thắng, Yên Hòa), huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tiêu hủy đàn gia cầm có biểu hiện ốm, chết; tiêm phòng bao vây từ ngoài vào trong; tiến hành khử trùng tiêu độc; lấy mẫu gửi đi xét nghiệm;....

Riêng tại thôn Khê Trung, nơi có gia cầm ốm chết, huyện đã tập trung tiêu hủy trên 3.500 con gia cầm tại 6 hộ. Đồng thời tiến hành khử trùng tiêu độc, vệ sinh chuồng trại bằng hóa chất mỗi ngày 1 lần trong thời gian 4 ngày đầu tiên, sau 3 ngày thực hiện 1 lần. Phát động toàn bộ các hộ dân trong thôn vệ sinh chuồng trại, phát quang bụi dậm, khơi thông cống rãnh, khử trùng tiêu độc bằng biện pháp rắc vôi xung quanh chuồng trại, hố ủ phân.... 

Huy động cán bộ thú y của tỉnh và huyện phối hợp với thú y xã tổ chức tiêm phòng toàn bộ gia cầm của thôn Khê Trung trong vòng 1 ngày. Huyện đã cấp cho Yên Đồng 120 lít hóa chất và 4 xã lân cận mỗi xã 60 lít hóa chất để khử trùng tiêu độc; tiêm phòng bao vây cho trên 128.500 con gia cầm, thủy cầm trong đợt khống chế, dập dịch vừa qua. 

Nhằm ngăn ngừa hiệu quả sự xâm nhiễm, lây lan dịch cúm gia cầm tại nơi có biểu hiện dịch, 3 chốt kiểm dịch lưu động tại các tuyến đường chính ra vào xã Yên Đồng được thành lập, duy trì hoạt động đã tổ chức tốt việc kiểm soát người, phương tiện vận huyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm gia súc gia cầm. Huyện cũng chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi về tác hại, sự nguy hiểm của các chủng vi rút cúm gia cầm; nhắc nhở người dân chủ động phòng dịch. 

Trong trường hợp có gia cầm ốm chết bất thường phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để xử lý, không vứt xác gia cầm ốm chết bừa bãi làm dịch lây lan. Đến nay các biểu hiện của dịch bệnh đã được kiểm soát, sau khi tiêu hủy đàn gia cầm của 6 hộ dân, tại thôn Khê Trung không còn gà chết và các biểu hiện bệnh khác.

Yên Mô là huyện thuần nông, vì thế số lượng gia súc, gia cầm tương đối lớn. Ước tính hiện nay toàn huyện có gần 454.000 con gia cầm. Với diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, trong thời gian tới Yên Mô tiếp tục chủ động, phòng chống dịch bệnh, tiến hành tiêm vét tại xã Yên Đồng và 4 xã lân cận cho các đối tượng gia cầm đã đến tuổi tiêm phòng mà chưa được tiêm phòng. Triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ Xuân Hè năm 2017. 

Huyện đã chỉ đạo các đơn vị phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, tiến hành rà soát, thống kê, nắm chắc số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn; thành lập và kiện toàn các tổ tiêm phòng ở các xã, thị trấn. 

Mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật tiêm phòng, cách sử dụng, bảo quản vắc xin, trang bị bảo hộ cho cán bộ thú y cơ sở, người tham gia tiêm phòng. Theo kế hoạch, các địa phương trên địa bàn huyện sẽ tập trung nhân lực tiến hành tiêm phòng nhanh, gọn từ 15/3-30/4. 

Cùng với công tác tiêm phòng, Yên Mô phát động nhân dân thực hiện khử trùng tiêu độc nhằm tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh và lây lan trên địa bàn. 

Thời gian tổ chức khử trùng tiêu độc từ ngày 10/3-10/4 và tập trung cao cho những nơi có ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ phát dịch cao; khu vực chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi gia đình; chợ buôn bán, tập kết, thu gom gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm, các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm. 

Ngoài hóa chất, huyện cũng khuyến cáo các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bố trí thêm kinh phí mua vôi bột để thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc; tích cực vệ sinh chuồng trại, môi trường khu vực xung quanh, ngăn chặn dịch cúm gia cầm.

Theo baoninhbinh.org.vn

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: