Sáng 8/12, Trung tâm Nông nghiệp Công nghệ cao và Xúc tiến Thương mại (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức hội nghị Kết nối tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông, lúa đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Ninh Bình năm 2023.
Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị ghi nhận 8 ý kiến phát biểu, giới thiệu các sản phẩm, đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Cụ thể là việc tiếp tục duy trì và phát triển các kênh phân phối đã được xây dựng, thúc đẩy bán hàng đa kênh đối với các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đã có sẵn.
Nhiều đại biểu nhấn mạnh, yếu tố cần để kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, đó là tăng cường đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch, ẩm thực, văn hóa, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác giới thiệu, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Để ngành nông nghiệp đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nâng cao thu nhập của người dân - những người có đặc sản của địa phương, các cấp ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần phối hợp và tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm OCOP và các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP.
Đại diện một số đơn vị thu mua, hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về giải pháp gia tăng tiêu thụ và đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm OCOP với các đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, đại diện doanh nghiệp phân phối và đại diện kênh bán hàng thương mại điện tử các sản phẩm OCOP.
Ninh Bình hiện có trên 100 sản phẩm OCOP và nhiều nông sản đặc hữu, chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đã tạo phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô sản xuất hàng hóa gắn với liên kết chuỗi của các địa phương, góp phần hình thành nhiều vùng sản xuất, đồng thời là điểm cộng trong đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới ở các mức.
Danh mục các sản phẩm của Ninh Bình ngày càng đa dạng, phong phú, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc, từng bước khẳng định giá trị và uy tín trên thị trường, tăng trưởng về doanh thu. Nhiều sản phẩm mẫu mã đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống cần được kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường.
Nguồn: Báo Ninh Bình
https://baoninhbinh.org.vn/ket-noi-tieu-thu-nong-san-va-san-pham-ocop-tinh-ninh-binh/d20231208150518278.htm
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: