Thứ Tư, 01/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Tìm hướng xuất ngoại cho sản phẩm OCOP

Thứ Ba, 12/12/2023

Không dừng lại ở việc chinh phục thị trường trong nước, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực khẳng định thương hiệu, chất lượng nhằm đưa hàng Việt vươn ra thế giới.

Sản phẩm OCOP na Phú Long trưng bày tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế lần thứ 23 tại Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn

 

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đến thời điểm này, tỉnh Ninh Bình có 154 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định được thương hiệu, chất lượng, chinh phục được thị trường trong nước và góp mặt tại các quốc gia được coi là thị trường khó tính, khó tiếp cận. 

Có thể kể đến như: Các mặt hàng thời trang, trang trí nội thất như túi cói, túi lục bình, mũ, giỏ xách, khung gương, khung ảnh, bàn, ghế lục bình của Công ty TNHH Vina Handicrafts ở xã Quang Thiện (Kim Sơn); sản phẩm "Ngô ngọt nghiền" của Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (có mặt ở gần 20 quốc gia và vùng lãnh thổ); sản phẩm cơm cháy của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Long; sản phẩm thêu ren của Công ty TNHH Thêu ren Mặt trời xanh. Ngoài ra, nhiều sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như trà hoa vàng, gốm bồ bát, sản phẩm của HTX Sinh Dược… và nhiều sản phẩm OCOP đã trở thành quà tặng thương hiệu địa phương. 

Bà Trần Thùy Nhi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vina Handicrafts cho biết: Trung bình, mỗi năm công ty cung cấp ra thị trường khoảng 600 nghìn sản phẩm từ cói và bèo bồng, chủ yếu phục vụ thị trường nước ngoài. Doanh thu đạt trên 25 tỷ đồng, tạo việc làm cho 50 công nhân tại xưởng với thu nhập từ 4-8 triệu đồng/người/tháng. Riêng sản phẩm túi bèo OCOP và gương cói, năm 2022 đã xuất bán hơn 80 nghìn sản phẩm. Đến nay, công ty đã trở thành bạn hàng của hơn 20 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập... 

Để các sản phẩm OCOP vươn xa, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã và đang có định hướng, lộ trình cụ thể trong xây dựng sản phẩm đặc trưng, chất lượng nhằm nâng hạng và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP. Cùng với đó, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm được quan tâm chú trọng. 

Theo ông Phạm Đăng Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ cao và xúc tiến thương mại, Sở Nông nghiệp và PTNT, công tác xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng ở địa phương được đổi mới về phương thức triển khai, nhất là các hoạt động kết nối các đơn vị sản xuất để hàng OCOP "rộng cửa" ra thị trường. Ngành đã phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương hỗ trợ xúc tiến thương mại rất tích cực cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chức năng thì số lượng sản phẩm xuất khẩu của tỉnh ta vẫn còn hạn chế, khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế. Thực tế này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. 

Ông Phạm Đăng Nam cho rằng: Để sản phẩm OCOP trở thành mặt hàng xuất khẩu, trước hết quy trình sản xuất phải đảm bảo, xanh, sạch, an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Tiếp đến là đầu tư về mẫu mã, quảng bá thương hiệu sản phẩm. Quá trình này đòi hỏi nguồn vốn lớn và trình độ kỹ thuật cao. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm OCOP ở tỉnh ta chủ yếu do bà con nhân dân, các HTX, làng nghề sản xuất nên việc đáp ứng đầy đủ các hồ sơ pháp lý, năng lực sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là rất khó khăn. Nguyên nhân chủ quan là do sự chậm đổi mới về mẫu mã, chất lượng sản phẩm của các chủ thể. Việc sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP giúp các chủ thể tiếp cận tốt hơn với thị trường trong nước. Nhưng nếu muốn vươn ra thế giới thì bản thân các chủ thể đó cần phải có chiến lược, chấp nhận đầu tư, rủi ro, nâng tầm sản phẩm và hơn hết là phải có đam mê, quyết tâm theo đuổi. 

Trước những trở ngại khiến sản phẩm OCOP Ninh Bình chưa thể rộng đường xuất khẩu, ông Nguyễn Đức Tuấn, đại diện HTX Sâm Cúc Phương Bochi mong muốn: Một đơn vị, doanh nghiệp khi tự mình tiếp cận với thị trường nước ngoài chi phí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được tham gia nhiều chương trình, hội chợ, triển lãm quốc tế do địa phương, Nhà nước tổ chức hơn nữa. 

Trong tháng 9/2023, thông qua việc tham gia Chương trình đào tạo phát triển nông nghiệp tại thành phố Asan (Hàn Quốc) do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức, HTX lần đầu tiên đưa được sản phẩm sâm Cúc Phương đến với Hàn Quốc. Không những thế, chúng tôi còn thiết lập được mối quan hệ hợp tác với một số doanh nghiệp và được các đối tác đánh giá cao về hàm lượng, chất lượng của sâm Cúc Phương. Hiện thực "giấc mơ" xuất khẩu sâm đến nơi được mệnh danh "xứ sở của sâm" là tương lai không xa đối với HTX. 

Có thể nói, khi một sản phẩm được xuất khẩu thì giá trị kinh tế cao hơn, doanh thu, lợi nhuận tăng và thu nhập của người lao động được nâng lên. Việc tham gia những "cuộc chơi lớn" cũng giúp các doanh nghiệp, chủ thể nâng cao tính cạnh tranh, không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ... 

Vì vậy, thời gian tới, các chủ thể cần tiếp tục nâng "chất" sản phẩm, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, tiêu chuẩn, chất lượng, đăng ký mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Các ngành, địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiếp thị sản phẩm. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm ở trong nước và quốc tế.

nguồn: Minh Hải/Baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/tim-huong-xuat-ngoai-cho-san-pham-ocop/d20231212082614174.htm

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: