Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Dồn lực ở "chặng đường nước rút" để tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai, 13/03/2023

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2023, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu hoàn tất các chỉ tiêu và hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Để nắm rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn cũng như các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh.

Điểm du lịch sinh thái Quèn Thờ - mô hình sản xuất kinh doanh góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới thành phố Tam Điệp. Ảnh: Anh Tuấn

Phóng viên: Xin bà cho biết, cơ sở nào để tỉnh đặt mục tiêu trong năm 2023 này sẽ hoàn thành các chỉ tiêu và hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025? 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Sau hơn 12 năm thực hiện, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, của tỉnh, cùng với quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của các địa phương và sự nỗ lực của Nhân dân, Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện. Cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn có nhiều đổi thay tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Các tiêu chí NTM lần lượt được củng cố, hoàn thiện và nâng chất. Ngành Nông nghiệp có những thay đổi rõ nét, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch. 

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 7/8 huyện, thành phố đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; Huyện Kim Sơn đã đủ điều kiện và đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn NTM; có 119/119 xã đạt chuẩn NTM; có 30/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 14/119 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 333/1.355 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đây là những cơ sở vững chắc để Ninh Bình đặt mục tiêu trong năm 2023 sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, điều kiện và hồ sơ để đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. 

Phóng viên: Khác với giai đoạn trước, bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn, là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện theo các tiêu chí này, chúng ta có gặp khó khăn gì không? 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Từ năm 2022, Trung ương bắt đầu thực hiện các cơ chế, chính sách mới áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, hệ thống văn bản quy định về cơ chế, chính sách, Bộ tiêu chí NTM các cấp, hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ, ngành ban hành chậm, nên đã ít nhiều ảnh hưởng tiến độ xây dựng NTM của tỉnh. Nhất là hướng dẫn triển khai thực hiện của các bộ, ngành có nhiều nội dung khó, yêu cầu rất cao. Do đó, khó thực hiện trong thời gian ngắn, như: tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa (áp dụng đạt cho cả nam và nữ), các chỉ tiêu về tổ chức sản xuất, chất lượng môi trường sống... 

Phóng viên: Đóng vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu cho tỉnh, Sở đã đề xuất triển khai những giải pháp như thế nào để tháo gỡ các khó khăn nêu trên, thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành các Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Sở đã chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng các quy định cụ thể một số tiêu chí được Thủ tướng Chính phủ giao cho cấp tỉnh quy định phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế ở tỉnh, đến nay UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các Quyết định quy định cụ thể các tiêu chí thuộc các Bộ tiêu chí quốc gia áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Song song với đó, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành được giao phụ trách các tiêu chí chủ động phối hợp với địa phương xây dựng kế hoạch triển khai; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành để thực hiện Chương trình. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai theo từng tháng, quý. 

Từ năm 2022, toàn bộ các xã được công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo các quy định của giai đoạn 2021-2025. Các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn trước tỉnh đã có kế hoạch chỉ đạo rà soát, đánh giá, có lộ trình bước đi phù hợp để củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu tiêu chí của giai đoạn mới. 

Phóng viên: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung Chương trình xây dựng NTM ở giai đoạn nước rút, thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa bà? 

Bà Nguyễn Thị Lan Anh: Năm 2023, Ninh Bình đặt mục tiêu: Huyện Kim Sơn được công nhận huyện đạt chuẩn NTM; huyện Hoa Lư, Yên Khánh được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Ninh Bình đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, trong khi đó, từ nay đến cuối năm, thời gian không còn nhiều. 

Vì vậy, các địa phương, các đoàn thể cần đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, làm sao huy động sự chung tay góp sức của toàn xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Các sở, ban, ngành được giao phụ trách từng tiêu chí NTM cần chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các huyện, xã. 

Đối với các huyện, thành phố cần rà soát, đánh giá các tiêu chí, điều kiện huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; xây dựng lộ trình triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các công việc, dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu các tiêu chí huyện NTM, NTM nâng cao (ở các huyện Kim Sơn, Hoa Lư, Yên Khánh), hoàn thiện hồ sơ xét công nhận theo đúng kế hoạch. 

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2023, tiến hành rà soát, đánh giá các tiêu chí, xác định rõ các công trình thiết yếu cần phải xây dựng, sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn của từng tiêu chí (chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng môi trường sống ở nông thôn), phù hợp với nhu cầu sử dụng và nguồn lực huy động tránh dàn trải, lãng phí. 

Với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, tập trung cùng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của Nhân dân trong tỉnh, tôi tin rằng tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu theo đúng lộ trình đã đề ra. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn bà! 

Nguồn: Nguyễn Lựu/baoninhbinh.org.vn

https://baoninhbinh.org.vn/don-luc-o-chang-duong-nuoc-rut-de-tinh-hoan-thanh-nhiem-vu/d20230310083036559.htm

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: