Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Gia Viễn chú trọng chăm sóc, bảo vệ lúa mùa

Thứ Năm, 22/08/2019

Thời điểm này, các địa phương ở huyện Gia Viễn đang chuyển trọng tâm sang chăm sóc lúa mùa đợt 2. Nhìn chung, lúa mùa chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh và cuối đẻ nhánh. Tuy nhiên, theo dự báo sẽ có những đợt dịch bệnh tiềm ẩn, nguy cơ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Công tác kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp phòng trừ bảo vệ lúa mùa đang được các cấp, ngành và địa phương trong huyện đôn đốc sát sao.

Những ngày này, chúng tôi về xã Gia Trấn - một trong những địa phương luôn có năng suất lúa nằm trong tốp đầu của huyện Gia Viễn. Theo ông Vũ Văn Tuyến, Phó giám đốc HTX Gia Trấn: Toàn HTX gieo cấy 246 ha lúa vụ mùa (vụ đông xuân 206 ha), ngay từ đầu vụ, Ban quản trị HTX tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo nông dân các biện pháp phòng trừ một số đối tượng dịch hại đầu vụ như chuột, ốc bươu vàng, rêu nhớt, bệnh nghẹt rễ trên cây lúa. 

Thời điểm này, lúa mùa đang ở giai đoạn sinh trưởng. Tuy nhiên qua thăm đồng, Ban quản trị phát hiện trên xứ đồng Thượng Đâu (đội sản xuất 1) và Bình Điền (đội sản xuất 5) của HTX gần 7 ngày nay xuất hiện bệnh khô đầu lá. Đánh giá sơ bộ, bệnh khô đầu lá và sâu cuốn lá ở mật độ rải rác và khoảng 5% diện tích ruộng trũng bị bệnh nghẹt rễ.

Trao đổi về tình hình sâu bệnh, dịch hại trên địa bàn, đồng chí Nguyễn Thiên Hải, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật huyện cho biết: Trạm  đã kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT tham mưu cho UBND huyện Gia Viễn chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột để bảo vệ lúa mùa. 

Đối với công tác diệt chuột, do thời tiết ở vụ đông xuân nắng ấm, chuột sinh sản nhanh. Sang vụ mùa là thời điểm chúng có sức gây hại mạnh. Vì thế, ngay từ đầu vụ mùa, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã tiếp nhận, cấp phát tới các xã, HTX trên địa bàn 500 kg thuốc Cat 0,25 W, đồng thời tuyên truyền, phát động nông dân đồng loạt ra quân diệt chuột thời kỳ làm đất và sau khi cấy. 

Bên cạnh đó, Trạm khuyến khích các địa phương diệt chuột bằng phương pháp thủ công như: Tìm hang ổ ẩn náu, đào bắt, hun khói, đổ nước vôi loãng cho chuột chạy ra khỏi hang, dùng đó, lưới bắt; dùng các loại cạm bẫy đặt trên lối đi của chuột hoặc vùng chuột đang phá lúa… 

Hiện nay, một số diện tích lúa đang bị ngộ độc hữu cơ với biểu hiện vàng lá, đẻ nhánh yếu, cây lúa kém phát triển, nhổ cây lúa lên kiểm tra thấy rễ thối đen, có mùi tanh hôi. Bệnh gây hại cục bộ ở những chân ruộng trũng, yếm khí, khó thoát nước. 

Đối với diện tích này, cần ngừng ngay việc bón phân đạm hoặc NPK, tháo cạn nước, tạo điều kiện cho đất giải phóng một số khí độc. Sau đó vài ngày mới đưa nước vào, mỗi sào bón 15- 20 kg lân và 15- 20 kg vôi tỏa, kết hợp bón phân chuồng hoai mục và làm cỏ sục bùn nhẹ nhàng. Tiếp tục theo dõi, kiểm tra đến khi thấy cây lúa ra rễ mới, lá non mới thì tiến hành bón nhẹ đạm. Khi cây lúa phát triển bình thường trở lại, bón thúc và chăm sóc bình thường.

Vụ mùa này, Gia Viễn gieo cấy 3.500 ha, giảm hơn 1.300 ha so với cùng kỳ. Diện tích giảm là do nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi thuỷ sản quảng canh và chăn thả vịt thời vụ với diện tích gần 1.000 ha. 

Để giảm thiểu tác hại sâu bệnh, bảo vệ lúa mùa, UBND huyện Gia Viễn yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt diễn biến tình hình phát sinh, phát triển của các đối tượng sâu, bệnh, chuột hại. Chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, trừ kịp thời, đảm bảo đúng quy trình an toàn cho người, vật nuôi, môi trường sinh thái. 

Gia Viễn có khoảng 140 ha trà mùa sớm, diện tích này tập trung ở xã Gia Hưng đang ở kỳ làm đòng, trỗ bông. Còn lại diện tích ở trà mùa trung đang đẻ nhánh, đây là giai đoạn chuột phá mạnh do lúa mùa đang ở thời kỳ mang lại nguồn thức ăn dồi dào. Biện pháp hữu hiệu nhất có thể diệt chuột là phương pháp thủ công. 

Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện cũng đã ra thông báo, từ ngày 21/8 trở đi, các địa phương tăng cường theo dõi, phòng trừ sâu đục thân 2 chấm lứa 5, đồng thời tăng cường các biện pháp diệt chuột bảo vệ lúa đến hết vụ.

Theo Baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: