Thứ Ba, 05/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Gia Viễn: Tập trung chăm sóc, bảo vệ lúa đông xuân

Thứ Ba, 02/04/2019

Thời tiết khá thuận lợi, lúa đông xuân trên địa bàn huyện Gia Viễn sinh trưởng, phát triển tốt. Thời điểm này, trà lúa xuân sớm chủ yếu ở diện tích ngoài đê đang trong giai đoạn phân hoá đòng - đòng già, có thể thu hoạch trước lũ tiểu mãn (20/5). Diện tích lúa trong đồng đang ở kỳ đẻ nhánh rộ - làm đòng. Đây cũng là thời điểm việc quản lý các đối tượng dịch hại, sâu bệnh được địa phương coi trọng nhằm giảm thiệt hại và đảm bảo thành quả vụ sản xuất đông xuân.

Nông dân xã Gia Vân (Gia Viễn) tỉa dặm lúa đông xuân.Bác Đinh Văn Bắc ở thôn Phù Long (HTX nông nghiệp Thống Nhất), xã Gia Vân ra đồng thực hiện việc tỉa, dặm lúa trên mảnh ruộng 8 sào của gia đình, được gieo sạ bằng giống lúa Bắc Thơm. Với thửa ruộng này, bác chỉ mất 3 công tỉa, dặm, làm cỏ, nhưng theo dõi, bắt ốc bươu vàng và đặc biệt là chuột thì kéo dài đến khi lúa chín. Nhổ một cây lúa có dính ổ trứng ốc bươu vàng lên, bác Bắc nói: Các anh xem, ốc đẻ xong là nhanh chóng lẩn trốn đi nơi khác, đến chập tối và đêm mới bò ra cắn phá lúa. Triệt được trứng thì phải ra đồng ban ngày, còn muốn bắt được những con ốc to thì đến tối, đêm. ở xứ đồng Gồ Sọng này, rất gần bờ đỗi, đường to và khu dân cư nên đối tượng chuột phá lúa cũng rất khó khống chế. Những con chuột di chuyển từ bờ đường to, ban ngày thì trú ngụ trong hang hốc, đêm đêm mới ra cắn lúa. Đánh bắt được chúng thì dõi theo vết chân, tìm đến cửa hang đặt thuốc. Nhiều con chuột ranh mãnh, phải thay đổi khẩu vị thuốc bả, mới chịu xơi mồi.

Thăm đồng ở Gia Viễn những ngày này, chúng tôi thấy nhiều nông dân cần mẫn, cặm cụi với mảnh ruộng gia đình. Làm nông, muốn có thành quả thì việc ra đồng là thường xuyên, bởi “chín tháng trông cây, mười ngày trông quả”. Thời điểm này, các trà lúa đông xuân trên địa bàn huyện Gia Viễn sinh trưởng, phát triển tốt, việc quản lý các đối tượng dịch hại được địa phương coi trọng nhằm giảm thiệt hại và đảm bảo năng suất, chất lượng của cây lúa.

Đồng chí Bùi An Khang, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Vụ đông xuân này, Gia Viễn gieo cấy 6.300 ha. Trong đó, trên 60% diện tích được cấy bằng các giống lúa lai như Nhị ưu 838, Thục Hưng số 6, Phú Ưu 1, diện tích còn lại là giống thuần, lúa chất lượng cao... Huyện đã chỉ đạo các địa phương có diện tích lúa ngoài đê, bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, đảm bảo lúa phân hóa đòng, trỗ vào thời tiết thích hợp và có thu hoạch tránh lũ tiểu mãn. Nhờ thời tiết khá thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống đồng nên lúa xuân sớm ngoài đê năm nay được một số xã Gia Hưng, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Trung, Gia Tiến... triển khai gieo cấy nhanh, lúa phát triển tốt. Đầu vụ, thời tiết diễn biến thuận lợi nên tiến độ gieo trồng vụ đông xuân tương đối nhanh so với lịch thời vụ. Toàn huyện đã hoàn thành xong việc chăm sóc lúa đông xuân đợt 1, đang chuyển sang chăm sóc đợt 2.

Đồng chí Bùi An Khang cũng nhấn mạnh: Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn, chuột hại đang phát sinh, phát triển với mật độ cao hơn cùng kỳ. Để bảo vệ sản xuất, ngoài lượng thuốc chuột UBND tỉnh cấp và phân bổ cho huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND huyện trích ngân sách hỗ trợ gần 18.000 gói thuốc Cát 0,25 WP cho các xã tổ chức diệt chuột đồng loạt để bảo vệ cây trồng. Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn lá trên cây trồng nhằm giảm nguồn lây nhiễm trong thời kỳ trỗ bông của cây lúa. Theo ông Hoàng Văn Mạnh, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ngọc Động (xã Gia Phong): Thời tiết đầu vụ thuận lợi nông dân tích cực xuống đồng, cấy hết diện tích kế hoạch. Đến nay, gần 166 ha lúa đông xuân của HTX đang phát triển tốt, lúa đang ở thời kỳ đẻ nhánh rất mạnh. Qua thăm đồng, các xứ đồng chưa có dấu hiệu các loại sâu bệnh, dịch hại, song các HTX đôn đốc tổ bảo vệ thực vật tăng cường thăm đồng, có biện pháp khoanh vùng, diệt trừ sâu bệnh ngay. Các tổ dịch vụ thủy lợi thường xuyên giám sát việc giữ nguồn nước và đảm bảo cấp đủ nước cho lúa sinh trưởng, vừa hạn chế cỏ dại, sâu bệnh...

Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: