So với vụ đông xuân năm trước, năm nay, diện tích lúa ngoài đê Hoàng Long của Gia Viễn chỉ còn 650 ha, giảm 250 ha. Nguyên nhân là do mặt bằng sản xuất nông nghiệp phải ưu tiên để thực hiện một số dự án, cùng với đó có một phần diện tích được các địa phương chuyển đổi phương thức sản xuất, hoặc không chủ động được nguồn nước...
Tính đến thời điểm này các địa phương đã triển khai gieo cấy lúa đúng khung thời vụ. Nhờ thời tiết khá thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống đồng nên lúa xuân sớm ngoài đê năm nay ở một số xã như Gia Hưng, Gia Phú, Gia Thịnh, Gia Trung, Gia Tiến... được triển khai nhanh, nhiều xã đã cấy xong từ 15- 20 ngày, cây lúa đã bén rễ, hồi xanh và phát triển khá đồng đều.
Ông Đỗ Văn Cảnh, Giám đốc HTX Gia Tiến vui vẻ cho biết: Do có nhiều diện tích lúa ngoài đê và vùng trũng nên trên địa bàn toàn xã thực hiện giải pháp kỹ thuật bằng gieo mạ dược là chủ yếu. Vụ đông xuân, toàn xã có 255 ha, thì có 55 ha lúa ngoài đê đã cấy xong hồi trung tuần tháng 1,
Đến nay lúa đang sinh trưởng và phát triển tốt. Các giống chủ lực là giống lúa lai ngắn ngày, dự tính diện tích này sẽ cho thu hoạch trước lũ tiểu mãn. Diện tích đất cấy trong đồng đã cơ bản hoàn thành, có đủ nước, được dầm ngấu, chờ mạ. Bà con nông dân địa phương đã chuẩn bị mọi điều kiện sản xuất, đủ cơ số mạ gieo, được chăm sóc che phủ ni lông, đang thực hiện mạ chờ ngày cấy... Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phú cho biết.
Toàn xã có 324 ha lúa đông xuân, trong đó diện tích lúa ngoài đê là 92 ha (chiếm 28,5%). Như các vụ sản xuất trước, xã Gia Phú tiếp tục áp dụng kinh nghiệm thực hiện gieo mạ trà xuân sớm, sử dụng các giống lúa thuần, lúa lai sinh trưởng ngắn ngày, như Nhị Ưu 838, Thái Xuyên 111, Khang Dân 18, Hương Ưu 98... để cho thu hoạch sớm, tránh thiên tai và nhằm gia tăng giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Qua thăm đồng, cho thấy nông dân ở HTX Kính Chúc và HTX Ngô Đồng đã cấy gần xong diện tích ngoài đê. Thời tiết khá thuận lợi, nhiều diện tích lúa cấy đã bén rễ...
Theo đồng chí Bùi An Khang, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gia Viễn: Vụ đông xuân này, toàn huyện có kế hoạch gieo cấy 6.300 ha, diện tích ngoài đê chiếm khoảng 12%.
Để lúa ngoài đê đạt năng suất, ít sâu bệnh, huyện Gia Viễn đã phát động nhân dân tập trung vào gieo cấy đồng trà với các giống lúa thuần, lúa lai ngắn ngày, chủ lực như Nhị ưu 838, Thục hưng số 6, Hương ưu 89, nếp 97, LT2, Bắc thơm, Khang dân...
Cả diện lúa ngoài đê và trong đồng, toàn huyện đảm bảo cơ cấu 60% lúa lai các loại và khoảng 40% lúa thuần các giống lúa chất lượng cao như: LT2, QR1, Bắc Thơm số 7...
Các phòng, ban chuyên môn của huyện đôn đốc chỉ đạo các địa phương bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ vào thời tiết thích hợp, tránh rét muộn khi lúa trỗ và tránh lũ tiểu mãn khi thu hoạch.
Là địa phương có diện tích gieo cấy lúa ở ngoài đê và nhiều vùng trũng nên hầu hết các địa phương gieo cấy bằng mạ dược. Đây là vụ sản xuất chính trong năm của huyện Gia Viễn, mang lại giá trị thu nhập cao cho bà con nông dân, nên toàn huyện phấn đấu cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Được biết, đến ngày 28/1, huyện Gia Viễn đã cấy được trên 97% diện tích lúa ngoài đê. Diện tích đất trong đồng có thể cấy ngay đạt 60% diện tích. Diện tích đất còn lại đang được các tổ dịch vụ ở các xã, HTX đôn đốc hoàn thành, đảm bảo có đất ruộng để nông dân cấy xong toàn bộ diện tích lúa đông xuân trước 20/2.
Hiện nay, huyện Gia Viễn chỉ đạo các địa phương tiếp tục khuyến cáo bà con nông dân sau gieo cấy tập trung theo dõi diễn biến của thời tiết, chủ động chống rét, giữ nước làm áo bảo vệ cho lúa, duy trì kỹ thuật bảo vệ mạ. Đồng thời, chăm bón sớm để cây lúa đẻ nhánh tập trung, tăng số lượng rảnh hữu hiệu, nâng cao năng suất cho cây lúa.
Theo Baoninhbinh.org.vn
Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: