Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Hoa Lư hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ Ba, 26/09/2023

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương của ý Đảng, lòng dân, là sự quan tâm và chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Do đó, ngay từ khi triển khai thực hiện, huyện Hoa Lư đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh toàn dân, chung sức, đồng thuận, quyết tâm cao nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023.

Hoa Lư hoàn thành nhiều tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Quang cảnh xã nông thôn mới nâng cao Ninh An (Hoa Lư). Ảnh: Anh Tuấn

Ngày 9/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ - TTg công nhận huyện Hoa Lư đạt chuẩn NTM, là huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Ninh Bình và cũng là huyện đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. 

Đến nay, toàn huyện đã có 5/10 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu (gồm xã Ninh Giang, Ninh Mỹ, Trường Yên, Ninh Thắng và Ninh Hải); có 1 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (xã Ninh An) và 56/85 thôn, xóm (đạt 65,9% thôn, xóm) đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; thị trấn Thiên Tôn đạt chuẩn văn minh đô thị. 

Trong quá trình xây dựng NTM và NTM nâng cao, xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, với tiềm năng, lợi thế có nhiều khu, điểm du lịch, trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, những năm qua, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, hoạt động du lịch, dịch vụ trên địa bàn huyện Hoa Lư đã có nhiều khởi sắc, bước đầu ghi được dấu ấn gắn với kết quả trong chương trình xây dựng NTM nâng cao. 

Hiện nay, huyện Hoa Lư được biết đến với các khu, điểm du lịch nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc Bích Động, Thung Nham, Hang Múa... Sự phát triển của du lịch đã thu hút hàng chục nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Du lịch phát triển mạnh, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch nhanh từ nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp sang dịch vụ. Hoạt động nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15% trong cơ cấu kinh tế vùng di sản. Tuy nhiên, Hoa Lư xác định một số sản phẩm chủ lực như: Lúa gạo, sen và các sản phẩm từ sen; dê và các sản phẩm từ thịt dê, cá rô Tổng Trường và các sản phẩm từ cá rô Tổng Trường... 

Để các sản phẩm chủ lực của huyện phát triển bền vững, UBND huyện đã phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đối với 10/10 xã của huyện. 

Hiện nay, 100% các vùng nguyên liệu tập trung được đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, được cấp mã vùng trồng và ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến. Việc xây dựng và phát triển chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" luôn được huyện Hoa Lư quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện. 

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 10 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận. Năm 2023, huyện đăng ký mới 7 sản phẩm và 1 sản phẩm cấp lại sao. Để đạt được những kết quả trên, huyện Hoa Lư đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, đặc biệt là Đề án số 02 của UBND huyện về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Hoa Lư giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực như hỗ trợ phát triển đàn dê bản địa, hỗ trợ cơ giới hóa trong nông nghiệp và chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP. 

Huyện cũng đã có quy hoạch cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích hơn 30 ha, đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Mỗi năm, nghề đá mỹ nghệ mang lại doanh thu cho địa phương hàng trăm tỷ đồng, thu nhập bình quân của hàng nghìn người lao động làm nghề đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Việc đa dạng các hình thức, mô hình trong phát triển kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện. 

Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt gần 65 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt trên 141 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh còn 1,42% theo tiêu chí mới. Kinh tế phát triển đã làm cho diện mạo nông thôn ở Hoa Lư thêm khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa. 

Hiện nay, 100% tuyến đường do huyện quản lý đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện và kết nối tới trung tâm hành chính các xã trên địa bàn và giữa các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông xi măng hóa đạt 100%. Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ thường xuyên được đầu tư cải tạo, nâng cấp, thuận tiện cho giao thương và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. 

Những năm qua, Hoa Lư đã chỉ đạo, quan tâm nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tích cực vận động các nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa trạm y tế, mua sắm trang thiết bị y tế đảm bảo theo quy định; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện đạt 95%. 

Đồng thời, xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, Hoa Lư đã triển khai lồng ghép nhiều chương trình xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học. Đến nay, toàn huyện đã có 100% phòng học kiên cố. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, có 100% số trẻ mầm non đến trường được học 2 buổi/ngày. Trên 99% học sinh tiểu học đạt yêu cầu về năng lực và phẩm chất đạo đức. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đạt từ 99% trở lên, học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT đạt gần 80% trở lên. Nhiều năm liên tục, huyện Hoa Lư xếp thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh... 

Vấn đề môi trường là tiêu chí khó trong chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, với nhiều phong trào thiết thực, cụ thể của các tổ chức đoàn thể như "Nhà sạch, vườn đẹp", "5 không, 3 sạch", "10 phút sạch nhà, sạch ngõ", cùng với các hoạt động thu gom phế liệu, chống rác thải nhựa, sử dụng làn nhựa khi đi chợ, phân loại rác thải tại hộ gia đình, sử dụng men vi sinh trong xử lý rác thải… đã nhận được sự hưởng ứng của hội viên, nhân dân. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống. 

Đến nay, 11/11 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung từ 1-3 lần/tuần; đối với các xã trong vùng Quần thể danh thắng Tràng An, rác thải được thu gom, vận chuyển hàng ngày, tạo nên diện mạo mới ở các vùng quê. 

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM nâng cao vào cuối năm 2023, huyện Hoa Lư đang tiếp tục chỉ đạo xã Ninh An xây dựng xã NTM kiểu mẫu; xã Ninh Hòa xây dựng xã NTM nâng cao. Đến nay, huyện Hoa Lư đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí NTM nâng cao. Với một số tiêu chí chưa có hướng dẫn cụ thể và các chỉ số chưa vững chắc, huyện Hoa Lư đã đề xuất và phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn, tập trung chỉ đạo nhằm hoàn hiện hồ sơ đề nghị xét công nhận huyện NTM nâng cao vào cuối năm 2023, đảm bảo tiến độ, yêu cầu đặt ra. 

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về mục đích, nội dung, quan điểm chỉ đạo, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM, đồng thuận thực hiện và đạt vững chắc huyện NTM nâng cao.

Nguồn: Hạnh Chi - Báo Ninh Bình

https://baoninhbinh.org.vn/hoa-lu-hoan-thanh-nhieu-tieu-chi-quan-trong-trong-xay-dung/d20230926075444211.htm

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: