Chủ Nhật, 28/04/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VĂN PHÒNG ĐIỂU PHỐI NÔNG THÔN MỚI NINH BÌNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Hoa Lư sẵn sàng gieo cấy lúa đông xuân

Thứ Ba, 29/01/2019

Những ngày này, cùng với tích cực chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nông dân huyện Hoa Lư còn tập trung cao cho công tác chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2018-2019.

Ông Nguyễn Quang Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa (Hoa Lư) cho biết: Vụ đông xuân năm nay, Ninh Hòa dự kiến gieo cấy 346,8 ha lúa xuân (HTX Đại Sơn 178 ha, HTX Hồng Phong 168,8 ha) với 100% diện tích ở trà xuân muộn, cơ cấu giống chủ yếu là lúa thuần. Đến thời điểm ngày 22/01, khâu nước đã cơ bản đảm bảo cho khâu làm đất; giống, phân bón đã được các HTX và người dân chuẩn bị đầy đủ.

Từ nay đến 4/2/2019 khâu làm đất vẫn tiếp tục được thực hiện (đợt 2) nhằm thực hiện theo phương châm “ruộng chờ mạ”, để sau 3 ngày Tết cổ truyền là có thể đồng loạt xuống đồng gieo cấy lúa xuân. 

Thực tế nhiều vụ sản xuất vừa qua cho thấy, khâu làm đất chỉ trong vòng 1 tuần là đã hoàn tất. Hiện nay, nhân dân ra đồng be bờ, san ruộng, bón phân… Toàn xã phấn đấu gieo cấy xong lúa xuân trước ngày 20/2, với năng suất đạt 66-68 tạ/ha.

Theo ông Hoàng Văn Nhiệm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện: Vụ lúa đông xuân 2018-2019, huyện Hoa Lư dự kiến gieo cấy 2992,8 ha lúa, năng suất phấn đấu 68 tạ/ha. Để đạt được mục tiêu này, huyện xác định xây dựng từ 5-8 mô hình cánh đồng mẫu lớn (có diện tích từ 30 ha trở lên), cấy đồng giống, đồng trà với tổng diện tích gần 700 ha và cấy bằng các giống lúa chất lượng cao với tổng diện tích lúa chất lượng cao trong toàn huyện chiếm trên 70% tổng diện tích lúa gieo cấy được. 

Bố trí hợp lý cơ cấu giống lúa theo từng vùng, miền với khoảng 30% diện tích cấy giống lúa lai, 70% giống lúa thuần và 100% ở trà xuân muộn. Một trong những giải pháp quan trọng là đảm bảo được vấn đề thời vụ mà cụ thể là khâu gieo cấy lúa phải ở trong khung thời vụ tốt nhất. 

Huyện đã chỉ đạo sát sao các địa phương tích cực bơm tát nước vào đồng ruộng, chủ động tích trữ nước trong kênh, ngòi, ao đầm…và huy động tối đa lực lượng, phương tiện vào làm đất, hoàn thành sớm, theo phương châm “ruộng chờ mạ”. 

Đến ngày 22/1, toàn huyện đã làm đất xong đợt 1 và 600 ha được làm đất đợt 2. Khâu mạ được các địa phương và người dân chuẩn bị đầy đủ, chu đáo, đã có gần 70 ha mạ ruộng được gieo và trên 30 ha lúa được cấy chủ yếu ở xã Ninh Hải, Trường Yên...     

Đáng chú ý trong vụ đông xuân năm nay là huyện tiếp tục chỉ đạo các xã Ninh Hải, Ninh Xuân, Trường Yên... gieo cấy 100% diện tích lúa xuân theo lịch và quy trình, quy định nhằm tạo ra những “Cánh đồng vàng” phục vụ cho du khách đến chiêm ngưỡng, trong đó trọng tâm là khu vực Tam Cốc-Bích Động thuộc HTX nông nghiệp Văn Lâm (Ninh Hải). 

Ông Chu Văn Dư, Giám đốc HTX nông nghiệp Văn Lâm chia sẻ: Dọc hai bên dòng sông Ngô Đồng đi vào Tam Cốc là những mảnh ruộng của người dân HTX nông nghiệp Văn Lâm với tổng diện tích khoảng 21ha. 

Do điều kiện địa hình và tiểu khí hậu, nên ở đây chỉ cấy được 1 vụ lúa (vụ đông xuân). Xác định, đây là vụ sản xuất lớn, năng suất cao, dễ được mùa... nên nhiều hộ có ruộng đã chủ động gieo cấy lúa trên những mảnh ruộng của mình; nhằm đảm bảo một phần nguồn lương thực trong năm.

Huyện cũng sẽ thực hiện từ 3-5 mô hình với tổng diện tích khoảng 10-17 ha trồng sen-nuôi cá ở các xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải nhằm tạo ra những “Cánh đồng sinh thái” vừa cho giá trị kinh tế lại phục vụ du lịch. Đây là một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, có tính khả thi cao; bởi sen là loại cây trồng có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở ao hồ, thùng đào, thùng đấu, mương ngòi, ruộng sâu cấy lúa kém hiệu quả... Dưới các tán cây sen sẽ kết hợp nuôi thả cá rô Tổng Trường - loại cá đặc trưng của vùng này.

Theo baoninhbinh.org.vn

Tin khác
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào: